Tri ân những “người thầy im lặng” của ngành y
(Dân trí) - Dù đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng người quá cố vẫn để lại “báu vật” chính là thi thể của mình hiến tặng cuộc sống. Những “người thầy im lặng” đang cống hiến cho giảng dạy, nghiên cứu phát triển y khoa.
Thắp nén nhang thơm, thoáng chút bùi ngùi khi đứng bên thi hài người em gái đang được bảo quản cẩn thận, ông Nguyễn Thanh Hải (59 tuổi, ngụ tại quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Năm 2016 em tôi mất vì tai biến mạch máu não, theo di nguyện, gia đình quyết định hiến tặng thi thể của em cho mục đích nghiên cứu y khoa và được trường Đại học Tân Tạo tiếp nhận thi hài. Nay cô ấy không còn nữa, nhưng thân xác còn đây, gia đình chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản khi sự ra đi của người thân vẫn mang lại nhiều ý nghĩa cho đời”.
Điều đặc biệt hơn, trong gia đình ông Hải dù không ai theo nghề y nhưng cả cha mẹ của ông và 4 anh chị em khác đều là những người đã đăng ký hiến xác sau khi qua đời tại Đại học Y Dược hơn 10 năm trước. “Chúng tôi không có quan niệm nặng nề về việc sinh tử, khi chết thì xem như đã kết thúc vòng đời của mình. Thi thể nếu mang đi chôn cất hoặc hỏa táng cũng trở thành cát bụi. Cả gia đình đều cùng một suy nghĩ, nếu thân xác của mình còn có ý nghĩa với cuộc sống thì hãy hiến dâng cho đời”.
Trên thực tế, những thi hài hiến tặng cho khoa học đang được tập thể sinh viên thầy thuốc, cán bộ giảng kính trọng và yêu mến như báu vật vô giá. “Những người thầy im lặng đã dạy cho sinh viên nắm vững giải phẫu để trở thành thầy thuốc có kiến thức, vững tay nghề, đã giúp các thầy thuốc thực hiện được nhiều công trình nghiên cứu có giá trị phục vụ cho y khoa. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng thi thể của những người quá cố được hiến tặng là phương tiện tốt nhất, quý nhất trong giáo dục và đào tạo y khoa”. GS.TS Lê Văn Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Dược và TTU, TPHCM chia sẻ.
Để thể hiện sự kính trọng bày tỏ lòng thành kính trước những hi sinh thầm lặng ấy, chiều 28/3 tại Bệnh viện Tân Tạo các bác sĩ, các sinh viên y khoa đã tổ chức lễ tri ân những người hiến thi thể cho y học – Macchabée.
Được biết, năm 1993 Bộ môn Giải phẫu học Đại học Y dược TPHCM nhận lá đơn tự nguyện hiến thi hài đầu tiên, đến nay số lượng đăng ký đã lên tới gần 24 nghìn người. Hiện đã có gần 700 thi hài được tiếp nhận, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Vân Sơn