TPHCM:
Thay khớp gối cho bệnh nhân máu khó đông bẩm sinh
(Dân trí) - Biến chứng của căn bệnh rối loạn đông máu Hemophilia khiến bệnh nhân rơi vào cảnh tàn phế. Sau nhiều năm điều trị không mang lại kết quả, nam bệnh nhân rơi vào tuyệt vọng. Cuộc phẫu thuật tái tạo dây chẳng thay khớp gối thành công đang mở ra cuộc đời mới cho người bệnh.
Cuộc đời bế tắc vì bệnh máu khó đông
Đó là trường hợp của bệnh nhân Vũ Văn Cường (23 tuổi, quê Thái Bình) hiện đang được chăm sóc hậu phẫu tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, TPHCM.
Ngồi bên giường bệnh của con, bà Lê Thị Đào (46 tuổi) nhớ lại: “Khi thằng bé mới chào đời được vài tháng, thì nhiều vùng trên cơ thể tím bầm bất thường, đến bệnh viện kiểm tra, tôi chết lặng khi bác sĩ nói thằng bé bị bệnh máu khó đông, nguy cơ chảy máu đến chết nếu bị vết thương hở”.
Căn bệnh trên đã mang đến nhiều nguy hiểm, ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống của Cường. Chỉ một lần va đầu vào bạn bị vết thương hở ở chân mày mà phải mất 4 tháng sau mới lành được.
Cường phải gác việc học lớp 11 do bệnh tình diễn tiến ngày càng nặng, các khớp chân tay thường xuyên đau nhức, tím bầm vì chảy máu trong và khoảng 5 năm nay phải đi nạng, ngồi xe lăn do bệnh tái phát dù liên tục điều trị.
“Gần đây, em không thể tự đi lại được, mỗi lần cố đứng lên là bị ngã, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự giúp đỡ của người thân. Em nghĩ, cuộc sống của mình có lẽ sẽ kết thúc từ đây”, bệnh nhân cho biết.
Bác sĩ “liều” vì người bệnh
Khi đến Bệnh viện Quận Thủ Đức, qua thăm khám, BS-CKII Lê Hoàng Văn Hải, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình cxác định, khớp gối của bệnh nhân bị biến dạng nặng, dây chằng thoái hóa khiến khớp lỏng lẻo gây khó khăn cho vận động và mọi can thiệp thủ thuật, phẫu thuật sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong đó tình trạng xuất huyết không cầm được, khiến bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ hoặc tử vong trong quá trình hậu phẫu.
Trước những nguy hiểm trên, bác sĩ đã tư vấn đề nghị người bệnh thực hiện kỹ thuật hàn khớp gối (cố định khớp bằng keo sinh học để tránh nguy cơ chảy máu cũng như biến chứng nặng thêm) nhưng bệnh nhân đã từ chối vì những bất tiện trong sinh hoạt suốt phần đời còn lại.
Trước nguyện vọng của người bệnh có tuổi đời còn quá trẻ, bệnh viện đã quyết định tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật với hy vọng giúp bệnh nhân thoát khỏi cuộc sống “không bằng chết”.
Suốt 3 tiếng khẩn trương trên bàn mổ, để tránh tình trạng xuất huyết, các bác sĩ đã truyền liên tục yếu tố đông máu cho bệnh nhân.
2 ngày sau cuộc mổ, tình trạng sức khỏe của người bệnh đã tạm ổn, vết thương khô, không bị chảy máu.
BS Hải cho hay, đây là ca bệnh Hemophilia thứ 2 được thực hiện kỹ thuật thay khớp gối trên toàn quốc (ca bệnh trước đó được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Sau phẫu thuật bệnh nhân có tiên lượng tốt, dự kiến sẽ vật lý trị liệu, tập đi nạng trong khoảng từ 6 đến 8 tuần sau đó có thể tự đi lại bình thường.
Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc bệnh lý Hemophilia thì nguy cơ chảy máu, biến chứng có thể tái đi tái lại. Để tránh nguy cơ biến chứng, di chứng người bệnh cần được cung cấp yếu tố đông máu trong dự phòng, song giải pháp trên mới chỉ được áp dụng tại các quốc gia phát triển.
Tại Việt Nam yếu tố đông máu hiện đã được Bảo hiểm Y tế chi trả nhưng chỉ được cung cấp trong điều trị, mỗi khi có sự cố sức khỏe, bệnh nhân đều phải đến bệnh viện điều trị kéo dài, trong khi việc bổ sung yếu tố đông máu có thể xử lý ngay tại trạm y tế địa phương. Do đó, các bác sĩ đề xuất ngành y tế cần xem xét giải pháp cung cấp yếu tố VIII trong dự phòng cho người bệnh Hemophili (A hoặc B) để giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân và áp lực cho bệnh viện.
Vân Sơn