Suy thận: Nặng thêm vì thiếu máu
(Dân trí) - Thiếu máu có thể xuất hiện từ giai đoạn đầu của suy thận nhưng thường rõ rệt khi suy thận giai đoạn 3. Và tình trạng này là một trong những thủ phạm làm gia tăng tốc độ tiến triển suy thận sang giai đoạn nặng hơn, tạo thành 1 vòng luẩn quẩn không dứt.
Theo nghiên cứu mới đây của Khoa Nội thận Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị y khoa quốc tế của trường ĐH Kobe (Nhật Bản), tỉ lệ suy thận mãn (giai đoạn 3 - 5) là 3,1% trên tổng số hơn 8.500 người trưởng thành tại khu vực Thường Tín, Hà Tây. Như vậy, ước tính cả Việt Nam có khoảng 7 triệu người lớn bị suy thận mãn. Tất nhiên, con số có thể cao hơn nhiều.
Theo PGS.TS.BS Đinh Thị Kim Dung, Trưởng Khoa Nội thận Bệnh viện Bạch Mai, với dịch đái tháo đường tuyp 2 tăng nhanh ở các quốc gia đang phát triển, tỉ lệ mắc bệnh thận mãn đang ngày càng tăng cao. Kéo theo đó là tình trạng thiếu máu do thận bị suy không tạo đủ nội tiết tố epoetin, vốn có vai trò kích thích tủy xương tạo ra hồng cầu. Do hồng cầu chứa hemoglobin giúp chuyên chở oxy nên ở bệnh nhân suy thận, cơ thể không nhận được đủ lượng oxy cần thiết để hoạt động bình thường.
Những người thiếu máu thường có cảm giác mệt mỏi, khó thở và dễ xây xẩm, kém tập trung và dễ bực dọc trước những khó khăn trong công việc hằng ngày. Các triệu chứng của suy thận mạn như uể oải, thay đổi tính tình, ngủ không yên giấc, giảm khả năng sinh hoạt tình dục, phù... có thể nặng lên khi bị thiếu máu. Khi có các biểu hiện trên, nên thử máu để đánh giá số lượng hồng cầu, lượng huyết sắc tố (hemoglobin) và dung tích hồng cầu.
Điều đáng nói là suy thận và thiếu máu luôn tạo thành 1 vòng luẩn quẩn làm gia tăng tốc độ tiến triển suy thận sang giai đoạn nặng hơn và bệnh trở thành một vòng luẩn quẩn giữa suy thận và thiếu máu do thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Đặc biệt, hậu quả của thiếu máu thúc đẩy bệnh thận tiến đến suy thận giai đoạn cuối cần phải lọc thận nên sẽ tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội do chi phí lọc thận rất cao.
Do đó, giải pháp kích thích tạo máu cho bệnh nhân suy thận mãn rất quan trọng.
Những thông tin trên đã đã được chia sẻ trong hội thảo khoa học về hiện trạng, thách thức và tiến bộ mới trong điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn sớm, do Hội Niệu - Thận học Việt Nam phối hợp Công ty Roche tổ chức mới đây.
Thu Phương