Sử dụng siro ho cho con, cha mẹ cần biết điều này

Sợ con ho phải uống thuốc kháng sinh sẽ kháng thuốc, nên nhiều bố mẹ đã mua siro ho, hoặc tự chế siro ho từ quất, hoa hồng, húng chanh… Nhưng đã có nhiều trẻ lại bị nhiễm những loại bệnh khác vì siro ho làm từ dược liệu “bẩn”.

Nguy hại khi làm siro ho từ dược liệu “bẩn”

Chị Mai Hoa (Hải Phòng) chia sẻ, cậu con trai hơn 2 tuổi, mấy ngày gần đây thời tiết thay đổi thất thường nên húng hắng ho suốt. Nghe nói dùng kháng sinh sẽ kháng thuốc, nên chị muốn mua siro ho cho con. Đứng trước cửa hàng tân dược với nhiều loại siro ho, chị không biết chọn loại nào trị ho tốt.

Trước lo ngại về kháng kháng sinh, nhiều cha mẹ đã “chuyển hướng” điều trị cho con sang dùng thuốc đông y, hay tự mày mò làm các bài thuốc dân gian theo lời khuyên để cho con uống. Hoặc dùng các loại siro ho cho con uống.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng-Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng-Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng-Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai: Trong trường hợp bị ho, cảm cúm thì việc sử dụng các bài thuốc dân gian là rất đáng khuyến khích đồng thời hạn chế được tác dụng phụ do kháng sinh gây ra. Việt Nam có rất nhiều bải thuốc dân gian phong phú, phổ biến là các bài thuốc trị ho – cảm như: như húng chanh hấp đường phèn, quất – gừng – mật ong hấp cách thủy… có tác dụng như một kháng sinh tự nhiên và đứng đầu bảng trị các bệnh về hô hấp.

“Kháng sinh chỉ có tác dụng với ho do vi khuẩn còn ho do virus thì dùng kháng sinh cũng không có tác dụng, thậm chí có những nghiên cứu cho thấy, nếu ho không cần dùng kháng sinh mà lại cho uống kháng sinh thì lâu khỏi hơn” – PGS. Dũng cho hay.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, việc kê đơn cho bệnh nhi bị ho bằng các loại si rô thảo dược cũng được khuyến khích từ lâu, bởi nhiều loại sản phẩm siro ho đông dược rất hiệu quả, giúp giảm ho, long đờm khi dùng một mình, hay kết hợp với tân dược. Nhưng siro ho cần làm từ nguồn dược liệu thật sự sạch mới có hiệu quả như mong muốn.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Cha mẹ cũng nên cẩn trọng khi chọn dược liệu làm siro ho và tìm hiểu kỹ về loại siro ho định mua cho con bởi trong những năm làm nghề, ông đã cấp cứu khá nhiều ca trẻ bị ngộ độc cấp do sử dụng thuốc đông y chế biến từ dược liệu “bẩn”. Thuốc Đông y hiện nay đang trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, rất khó truy xuất nguồn gốc, và không kiểm chứng được chất lượng.

“Việc bố mẹ tự chế siro cho con uống hay mua siro từ nguồn dược liệu không rõ nguồn gốc, dược liệu bẩn thì khi cho trẻ uống sẽ không hiệu quả. Ngược lại, các yếu tố từ phân bón, dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, tỉ lệ nhiễm nấm mốc cao từ dược liệu bẩn sẽ tích tụ trong cơ thể gây ra các vấn khác về sức khỏe dù có thể đã chữa được một loại bệnh nào đó. Như vậy là lợi bất cập hại” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Cách nhận biết siro ho được làm từ nguồn dược liệu sạch

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Cán bộ điều phối của BioTrade cho biết: Sạch là tiêu chuẩn đầu tiên để làm thuốc. Sạch tức là yêu cầu giống sạch, nước sạch, đất sạch, quá trình canh tác sạch, thu hái sạch, đến nhà máy đạt tiêu chuẩn và đến tay người tiêu dùng thì sản phẩm mới đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Dự án BioTrade do tổ chức phi chính phủ HELVETAS của Thụy Sỹ và Liên minh Châu Âu tài trợ đang hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các vùng dược liệu sạch. Dự án BioTrade được triển khai tại Việt Nam trong 4 năm bắt đầu từ tháng 4-2016. Mục tiêu của dự án là phát triển 50 chuỗi giá trị dược liệu sạch, an toàn, bền vững.

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Cán bộ điều phối của Biotrade
Bà Hoàng Thị Thu Hương - Cán bộ điều phối của Biotrade

Bà Hương cho biết: Vùng trồng quất tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định được trồng để cung cấp làm siro ho là vùng trồng đạt tiêu chuẩn: Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) đã được thẩm định từ tháng 9-2017. Đây cũng là một trong những nơi được hỗ trợ bởi dự án Biotrade.


Vùng trồng quất xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nằm biệt lập trên bán đảo ven sông đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO)

Vùng trồng quất xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nằm biệt lập trên bán đảo ven sông đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO)

Khu trồng quất nằm biệt lập trên bán đảo ven sông để không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường xung quanh. Phân bón không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng mà phân bón được làm từ đậu tương. Cả nguồn đất, nước cũng như việc chăm sóc cây đều có sự hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của cán bộ dự án.

Quất không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng mà phân bón được làm từ đậu tương
Quất không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng mà phân bón được làm từ đậu tương

Quất sau khi thu hoạch được đưa về nhà máy sản xuất siro ho cách đó 30km. Quất sẽ được kiểm tra, loại bỏ quả hỏng, sau đó rửa sạch, ngâm nước muối, phơi khôi và đưa vào máy trưng với đường phèn. Dịch quất sau khi được chiết xuất sẽ được pha trộn với dịch chiết của dược liệu khác để thành siro chữa ho, cảm cho trẻ em.

Theo bà Hương, trên thị trường hiện có nhiều loại siro ho được làm từ những nguồn nguyên liệu với nguồn gốc khác nhau, khi lựa chọn bất cứ sản phẩm nào cho con các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ, đọc kỹ nguồn gốc chiết xuất sản phẩm… Phụ huynh có thể kiểm tra ngay những thông tin tiêu chuẩn chất lượng của thuốc được in trên bao bì theo tiêu chuẩn của Bộ y tế và WHO. Siro ho được làm từ dược liệu đạt chuẩn sẽ được dán tem Biotrade hoặc GACP-WHO.

Mai Hoa