Sốt xuất huyết ở trẻ em – biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện muộn

Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt với trẻ em, do sức đề kháng yếu, chẩn đoán điều trị khó hơn so với người lớn. Mặc dù được sự chung tay của cả cộng đồng nhưng cho tới nay tỷ lệ trẻ mắc SXH và số ca tử vong vẫn đáng báo động.

Tại sao trẻ em dễ bị sốt xuất huyết?

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong một tháng qua, trung bình mỗi tuần có hơn 250 bệnh nhân được phát hiện mắc SXH. Trong đó, 60-70% số ca là trẻ em. Bản tính hiếu động và ham chơi nên trẻ thích chơi ở những chỗ tối - là “địa bàn hoạt động” của muỗi, nên dễ bị muỗi tấn công.

Mặt khác, cũng có thể lý giải rằng do hoạt động thường xuyên nên thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn, nhịp thở của trẻ cũng cao, trẻ ra nhiều mồ hôi hơn, khiến muỗi dễ phát hiện và đốt. Mặt khác trẻ chưa có ý thức phòng muỗi đốt nên muỗi đốt “vô tư” (cả muỗi gây bệnh SXH). Khi bị muỗi đốt, sức đề kháng của trẻ cũng yếu hơn người lớn nên trẻ dễ bị mắc bệnh hơn.

Khó phát hiện triệu chứng bệnh

SXH gồm 2 triệu chứng chính là sốt và xuất huyết. Bệnh khó phát hiện, chẩn đoán sớm do những ngày đầu, các triệu chứng như sốt cao, phát ban ra ngoài da, biếng ăn, đau nhức người,… tương tự với các bệnh nhiễm vi-rút khác như sốt siêu vi, sốt phát ban.… Xét nghiệm thời gian đầu của bệnh cũng không phân biệt được SXH và các bệnh nhiễm vi-rút khác.

Biểu hiện rõ nhất của bệnh là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, kèm theo một trong các dấu hiệu: nổi chấm đỏ ở da, nôn ói có máu, tiêu phân đen, chảy máu mũi, chân răng.… Ngoài ra, các triệu chứng có thể kèm theo như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau quanh hốc mắt, chán ăn, buồn nôn. Khi bệnh nặng, có thể sốc, xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan như gan, não, tim, phổi…. Do đó, cần theo dõi kĩ các triệu chứng để phát hiện kịp thời.

Phát hiện sớm, chăm sóc trẻ đúng cách để tránh biến chứng nguy hiểm

Hạ sốt đúng cách

Khi trẻ sốt cao ≥ 380C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu trẻ sốt, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

- Thức ăn: Trẻ cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường. Nên chọn những thức ăn trẻ thích, chia làm nhiều bữa nhỏ và không kiêng khem. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa….

- Nước uống: Lượng nước cần cung cấp cũng nhiều hơn. Loại nước thích hợp là nước lọc, nước cam, chanh, … và nên uống dung dịch oresol, vì ngoài việc bù nước còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể, giúp thành mạch máu bền vững, giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể.

Theo dõi và cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời

Khi không được phát hiện kịp thời, SXH có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc nặng, suy hô hấp, xuất huyết nội tạng, tổn thương đa cơ quan và tử vong. Vì vậy, khi trẻ sốt trên 2 ngày mà không tìm được nguyên nhân, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6). Trẻ có thể trở nặng và sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.

Tuyệt đối tránh những tác động không tốt:

- Cạo gió, cắt lễ (có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ).

- Tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen (có thể gây chảy máu dạ dày).

- Cho trẻ ăn, uống những thực phẩm có màu đen hoặc đỏ (có thể gây nhầm lầm với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ).

- Cho trẻ truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện.

Sốt xuất huyết ở trẻ em – biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện muộn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm