Nữ hộ sinh Bệnh viện FV (Pháp Việt), trao trọn yêu thương

Chỉ khi người mẹ cảm thấy tin tưởng và giao phó sinh linh bé nhỏ cho các chị chăm sóc thì lúc đó các nữ hộ sinh như mới làm tròn bổn phận của mình.

Đồng hành cùng sản phụ trong hành trình vượt cạn, nâng đỡ những hình hài bé bỏng khi mới chào đời, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của cả mẹ và con…, đội ngũ nữ hộ sinh của bệnh viện FV (Pháp Việt) thực sự đã trở thành người thân của các sản phụ, cùng họ chia sẻ giây phút làm mẹ trọng đại trong cuộc đời.

Nhân đôi niềm vui cho người mẹ

Khi đang theo dõi cơn chuyển dạ của sản phụ B. vừa được bấm ối thì nữ hộ sinh Ngọc Hằng phát hiện tim thai yếu đi và dây rốn của sản phụ bị tuột ra ngoài trong khi đầu em bé cũng đã chúc xuống ngay sát đoạn dây rốn, Nhanh tay, chị Ngọc Hằng đưa ngay tay vào âm đạo đẩy đầu em bé lên cao không cho đè lên dây rốn và chị cứ giữ tư thế tay như vậy cho đến khi sản phụ B. được mổ bắt con an toàn. Thời gian đó kéo dài khoảng 30 phút. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng đứa bé khóc thì chị Ngọc Hằng mới thở phào nhẹ nhõm… Khi ra khỏi phòng mổ, bàn tay chị cứng ngắc không thể cử động được, phải xoa bóp một lúc, các ngón tay mới mềm ra… Đó chỉ là một trong nhiều ca sinh bất ngờ tại khoa Sản Bệnh viện FV mà trong đó, nhờ sự nhanh nhạy và kinh nghiệm của các nữ hộ sinh mà nhiều sản phụ đã được “mẹ tròn con vuông”.
 
Nữ hộ sinh bệnh viện FV chăm sóc và kiểm tra sức khỏe cho bé
Nữ hộ sinh bệnh viện FV chăm sóc và kiểm tra sức khỏe cho bé
 
Nữ hộ sinh là người đầu tiên tiếp nhận các sản phụ khi họ bắt đầu vào chuyển dạ. Sau đó, cũng chính họ là người liên tục theo dõi tình trạng của sản phụ cho đến lúc sinh. Cùng đỡ đẻ với bác sĩ cũng là nữ hộ sinh. Động viên và hướng dẫn sản phụ cách rặn và thở trong quá trình sinh cũng là các chị. Nữ hộ sinh còn là người chứng kiến giây phút em bé chào đời, bồng bế và chăm sóc cho em bé trước cả người mẹ. Đối với các chị, chỉ khi người mẹ cảm thấy tin tưởng và giao phó sinh linh bé nhỏ cho các chị chăm sóc thì lúc đó các nữ hộ sinh như mới làm tròn bổn phận của mình. Có trường hợp sản phụ P. vốn kỹ tính, không thích người lạ động chạm vào con mình. Thế nhưng, khi vào sinh con tại Bệnh viện FV, chị đã thay đổi suy nghĩ. Thức đêm trông con, ban ngày mệt, muốn chợp mắt, chị P. đã hoàn toàn yên tâm giao con mình cho các nữ hộ sinh trông đỡ. Trước khi vào bệnh viện sinh, chị còn mang cả người giúp việc vào. Nhưng qua ngày đầu, chị đã cho người giúp việc về nhà vì ở bệnh viện, em bé đã được các nữ hộ sinh chăm sóc rất chu đáo. Anh C. – chồng chị P. – chia sẻ một cách hóm hỉnh: “Nhờ có các nữ hộ sinh, vợ tôi đã học cách cho bé bú rất nhanh dù cả hai mẹ con đều là những… “tay nghiệp dư”! Thoạt nhìn thì tưởng đơn giản nhưng phải có kỹ thuật mới cho bé bú đúng cách được. Các nữ hộ sinh đã biến kỹ thuật đó trở nên thật dễ hiểu!”.
 
Chăm sóc bé cẩn thận và chu đáo
Chăm sóc bé cẩn thận và chu đáo
 
Thay mẹ bé, trao lời yêu thương

Theo tiêu chí của khoa Sản, các nữ hộ sinh thường tận dụng thời gian chăm sóc sản phụ hay em bé để truyền đạt những kinh nghiệm về cách tắm cho con, vệ sinh rốn, nhỏ mắt, ngoáy tai, mặc bỉm, cách mặc quần áo để sau khi ra viện, những người mẹ trẻ có đủ kiến thức để tự chăm sóc con mình. Khi bé mới chào đời, người hiểu tính nết các bé nhất không phải là mẹ bé mà chính là các nữ hộ sinh. Một chị có kinh nghiệm làm hộ sinh hơn 20 năm tâm sự: “Mỗi lần đỡ đẻ, nếu em bé khỏe mạnh thì mình rất vui. Nhưng nếu bé có vấn đề, mình cứ lo lắng, bồn chồn cả ngày không ăn uống gì được cứ như chính con cháu mình bị ốm vậy”.

Thông tin thêm về nữ hộ sinh

Đội ngũ nữ hộ sinh Bệnh viện FV (Pháp Việt) bao gồm 26 chị, hầu hết có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong nghề đỡ đẻ. Khoảng hai năm gần đây, khoa Sản bắt đầu tiếp nhận nữ hộ sinh vừa ra trường. Việc nhận nữ hộ sinh trẻ tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lại có các ưu điểm khác như giao tiếp ngoại ngữ tốt, thích nghi nhanh và dễ dàng tiếp nhận đào tạo.

Ngọc Thư