Nhà vệ sinh trường học: Nỗi khổ câm lặng suốt bao năm qua
Vì một số phản ánh của nhiều học sinh (HS) và phụ huynh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tiến hành khảo sát nhà vệ sinh ở trường học các cấp. Theo đó, kết quả được công bố vào tháng 9/2016 cho thấy có tới 2700 nhà vệ vẫn chưa đạt chuẩn khiến nhiều người rùng mình.
Nhà vệ sinh chỉ là công trình phụ của trường học?
Theo quy định của Bộ Y tế về vệ sinh trường học, bình quân từ 100 - 200 HS trong một ca học phải có 1 hố tiêu. Với các trường tổ chức bán trú, nội trú đảm bảo bình quân 25 HS có 1 hố tiêu. Tuy nhiên, có tới 2700 nhà vệ sinh trong số 2622 trường học các cấp ngay tại thủ đô không đạt chuẩn.
Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh và cả những thầy cô cũng băn khoăn về việc nhà vệ sinh có thực sự được chú trọng đúng mức trong việc xây dựng trường học hay không. Vì thực trạng thế hệ cha mẹ không có NVS, NVS tạm bợ, xuống cấp đến bây giờ vẫn kéo dài đến đời con quả thật là nỗi khổ khó nói suốt hàng chục năm. Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016 tháng 8 vừa qua, có mặt các cấp lãnh đạo, vấn đề NVS cho học sinh cũng đã được đưa ra bàn luận. Theo đó, một số nhà lãnh đạo cho rằng NVS học sinh vẫn còn bẩn kinh khủng, có vài trường ngay tại Hà Nội chỉ cần bước tới cổng đã nghe mùi phốt. Điều đó phản ánh, NVS trường học vẫn là vấn nạn nhức nhối trong môi trường giáo dục.
Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học giai đoạn 2012 - 2015 nêu rõ: “Phấn đấu đến cuối năm 2015, 100% các trường mầm non và phổ thông có đủ nước sạch và NVS hợp vệ sinh”. Thế nhưng hiện tại ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là con số 2700 nhà vệ sinh không đạt chuẩn ở Hà Nội đã chỉ rõ nhà vệ sinh hiện vẫn chỉ được xem là công trình phụ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhà vệ sinh xuống cấp trầm trọng
Theo khảo sát của các phóng viên báo Bình Dương, hàng chục NVS trường tiểu học tại địa bàn có tình trạng xuống cấp, bẩn và bốc mùi. Tại trường Tiểu học T.H (TX.Tân Uyên), NVS của các em HS mặc dù được xây khá khang trang nhưng bên trong lại “mất vệ sinh”. Các thiết bị trong NVS đều bị hỏng, ống nước thải bị hư khiến nước chảy tràn lênh láng. Trên nền NVS có nhiều đất, cát đọng lại do không được cọ rửa thường xuyên. Thùng rác “biến” thành bồn chứa nước. Không khí ẩm ướt, mùi hôi khiến không ít HS khó chịu, tuy nhiên do “bí” quá nên các em đành bịt mũi đi vào. Điều này lần nữa phản ánh, NVS chưa thực sự được chú trọng trong việc xây dựng trường học.
Ngay tại TP.HCM, phụ huynh không chỉ đau đầu về NVS trường học của con mình khi học tiểu học, mà ở các cấp THCS, THPT, thậm chí là đại học, NVS vẫn bị phản ánh là nơi ‘thà nhịn chứ không thể đi’. Tại trường đại học sư phạm TP.HCM, NVS trường là nơi cần thiết nhất nhưng không ai dám vào nhất vì không có nước dội, sinh viên phải ngồi chồm hổm, lúc nào cũng bốc mùi. Chị Phạm Phương Th., phụ huynh có con học tại trường này cho hay chị có con trai lớn học sư phạm toán tại trường, do NVS quá dơ nên nín nhịn. Chưa kể, đứa con nhỏ đang học tại trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP.HCM) cũng chịu chung tình trạng không dám đi vệ sinh vì NVS vàng úa do nhiễm phèn.
Vào đầu tháng 11, báo đã đưa tin nhiều trường học tại tỉnh Kon Tum NVS xuống cấp. Đặc biệt, trường tiểu học Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, H.Đăk Glei, Kon Tum) suốt nhiều năm qua không có nhà vệ sinh khiến cả giáo viên và học sinh khi có nhu cầu đều phải… ra rẫy, ra rừng.
Có thể nói tình trạng học sinh phải nhịn tiểu vì NVS dơ, không đảm bảo an toàn vẫn tiếp diễn dù trước đó đã có nhiều chính sách được đề ra để xây dựng NVS đủ chuẩn cho HS. Thậm chí, tháng 8/2016 trong hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016, phó Thủ Tướng Trần Đức Đam cũng đã nhấn mạnh phải chấn chỉnh, cải tạo NVS cho HS có môi trường tốt học tập. Tuy nhiên câu hỏi Bao giờ NVS trường học đúng nghĩa vệ sinh? Câu hỏi vẫn còn nhiều bỏ ngỏ!