Ngừa thai nội tiết: lựa chọn mới của phụ nữ

Việt Nam hiện là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ nạo phá thai (32%) và nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó có đến 22% số người nạo phá thai là trẻ vị thành niên – số liệu thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình quốc gia, 11/2011

Theo báo cáo mới đây của các chuyên gia quốc tế về sức khỏe sinh sản tại Hội nghị thượng đỉnh các nước Châu Á Thái Bình Dương với chủ đề “Ngừa thai hormone – Hiểu biết nhu cầu và lựa chọn của phụ nữ”, do Merck Sharp & Dohme (Asia) Ltd (“MSD”) tổ chức tại Thành Phố Hồ Chí Minh vào vừa qua, thì mặc dù tỷ lệ các trường hợp mang thai ngoài ý muốn trên toàn thế giới đang có xu hướng giảm, tuy nhiên những con số này vẫn còn khá cao. Kèm theo đó là những rủi ro có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số và sự phát triển của kinh tế xã hội, mà đối tượng chịu nhiều áp lực nhất chính là phụ nữ. Chính vì vậy, Hội nghị đã đề cao vai trò then chốt của người phụ nữ trong vấn đề phòng tránh thai như một hướng đi mới cho truyền thông nhằm góp phần vào việc triển khai các kế hoạch kiểm soát dân số tại Việt Nam.

Ngừa thai nội tiết: lựa chọn mới của phụ nữ

Một khảo sát dành cho phụ nữ châu Á trong độ tuổi 15-44 tại 17 quốc gia cho thấy, tuy mức mang thai ngoài ý muốn giảm từ 64% xuống còn 49%, nhưng có đến 57% phụ nữ có chồng không sử dụng các biện pháp tránh thai vì sợ tác dụng phụ. 12% phụ nữ có chồng không được đáp ứng nhu cầu về ngừa thai và dự đoán nhu cầu này sẽ tăng 14% mỗi năm. Đó là chưa kể đến những trường hợp mang thai ngoài ý muốn trước hôn nhân, đặc biệt là ở đối tượng vị thành niên. Đây là nguyên nhân chính khiến cho tỉ lệ nạo phá thai vẫn gia tăng rất nhanh và ngày càng trẻ hóa.

Việt Nam hiện là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ nạo phá thai (32%) và nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó có đến 22% số người nạo phá thai là trẻ vị thành niên – số liệu thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình quốc gia, 11/2011. Là một nước mang đậm nét văn hóa phương Đông, việc nạo phá thai không chỉ tạo thêm nhiều rủi ro về sức khỏe do các biến chứng có thể xảy ra mà còn khiến các chị em phụ nữ phải chịu điều tiếng của xã hội.

Hiện nay, có rất nhiều biện pháp tránh thai để chị em phụ nữ lựa chọn như: thuốc uống, que cấy, dụng cụ tử cung, bao cao su, màng ngăn, thuốc tiêm... Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Sản phụ khoa - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP HCM khuyên “Y học đã phát triển nhiều loại biện pháp tránh thai đã đáp ứng từng nhu cầu cụ thể giúp cho người phụ nữ lựa chọn đúng biện pháp tránh thai phù hợp với hoàn cảnh và sức khỏe của mình”.

Do tính hiệu quả cao và ít có tác dụng phụ nên các biện pháp tránh thai nội tiết đang ngày càng được các chị em phụ nữ lựa chọn và được các nhà hoạch định dân số lựa chọn là công cụ chính trong việc triển khai các chương trình kế hoạch hóa gia đình. Ông Brett Johson, Giám đốc Y khoa vùng Châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn MSD, cho biết: “Các biện pháp tránh thai nội tiết mới nhất hiện nay còn có tác dụng cải thiện mụn trứng cá, giảm nhờn da, giúp cho kinh nguyệt điều hòa hơn, giảm ung thư tử cung, trực tràng, loãng xương, tránh các bệnh về nhũ hoa, viêm vùng chậu…”. Tuy nhiên sự xuất hiện của các biện phát tránh thai mới này cũng đặt ra một vấn đề về các giải pháp hỗ trợ thông tin kịp thời cho người sử dụng. Do nhu cầu tránh thai và thể trạng của mỗi người phụ nữ là khác nhau nên họ cần được hướng dẫn về các biện pháp này theo từng trường hợp cụ thể để có thể đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

Quan tâm đến công tác truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình là nhiệm vụ của toàn xã hội, tuy nhiên phụ nữ lại là đối tượng chính quyết định sự thành công của các công tác này. Thực tế, kế hoạch hóa gia đình mang lại nhiều lợi ích to lớn cho phụ nữ. Vì đó chính là cách tốt nhất để giúp chị em có thể tự chủ trong việc kiểm soát cuộc sống cá nhân và gia đình, có nhiều cơ hội để phát triển bản thân và đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Vì vậy, việc triển khai và thực hiện các kế hoạch tầm soát dân số cần phải dựa trên nhu cầu và lựa chọn của phụ nữ.