Muỗi – loài côn trùng nguy hiểm khó ngờ
Thật đáng ngạc nhiên khi muỗi – một loài côn trùng nhỏ bé lại đứng đầu bảng xếp hạng các loài vật nguy hiểm nhất trên thế giới. Và diệt muỗi được coi là phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Theo một bảng đánh giá trực quan được đăng tải bởi Bill Gates, ước tính mỗi năm, số người chết trên thế giới vì các loại dịch bệnh liên quan tới muỗi lên tới hơn 725,000 người, lớn hơn gấp nhiều lần so với các ca tử vong gây ra bởi cá mập, rắn, voi, ….
Muỗi mang trong mình các loại ký sinh trùng, virus… của những căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan cao thành dịch lớn như:
1.Sốt rét:
Sốt rét là bệnh nguy hiểm nhất do muỗi gây ra, ước tính mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 600,000 người. Đây là một bệnh lây nhiễm, gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua các vết đốt của loài muỗi Anophen (Muỗi Đòn Sóc). Bệnh thường xảy ra tại các khu vực nhiệt đới và cân nhiệt đới của Châu Mỹ, Châu Á và Châu Phi. Bệnh nhân nếu không được chữa trị kịp thời có nguy cơ cao dẫn đến tử vong.
Sốt rét gây ra chứng thiếu máu, da xanh xao, gan và lá lách to.Với trẻ em, sốt rét khiến cơ thể trẻ còi cọc, chậm lớn, kém thông minh. Phụ nữ có thai nếu mắc sốt rét dễ bị sảy thai, sinh non.
2.Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp gây ra bởi virus Dengue, muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao đột ngột, người mệt mỏi, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, chán ăn, buồn nôn. Khi bệnh nặng, bệnh nhân có thể bị xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan như gan, não, tim,… dẫn đến tử vong.
Hàng năm Việt Nam ghi nhận trung bình từ 80.000 đến 100.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có hàng chục ca tử vong. Những khu vực đông dân cư có tập quán chứa nước sạch ở nhiều loại dụng cụ, nơi công trường xây dựng, khu vực đang đô thị hóa, nơi có nhiều đồ vật phế thải chứa nước mưa rất thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát.
3.Viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là tình trạng viêm não cấp do siêu vi Viêm não Nhật Bản gây ra truyền sang người từ heo, chim, do trung gian truyền bệnh là muỗi Culex.
Hiện nay, một số bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra như sốt rét, sốt xuất huyết,… vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa, do đó biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bản thân, gia đình, và cộng đồng đó chính là ngăn không cho muỗi đốt, sinh sôi và phát triển.
Không tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển:
· Phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh quanh nhà; đậy nắp các lu, vại chứa nước.
· Kiểm tra, phát hiện sớm, và tiêu diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt hằng ngày.
· Kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện phun hóa chất diệt muỗi hàng năm.
Không để muỗi đốt bằng cách:
· Ngủ mùng, mặc quần áo dài tay.
· Xua đuổi muỗi bằng các loại hương xua muỗi, sản phẩm xịt chống muỗi. Khi cắm trại, sinh hoạt ngoài trời, hoặc đến những vùng đang có dịch cần mang theo các chai xịt chống muỗi, xua đuổi muỗi, đặc biệt là với trẻ em, phụ nữ có thai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), hoạt chất Diethyltoluamide (DEET) nồng độ từ 10 – 30% có hiệu quả xua đuổi muỗi trong thời gian dài (từ 5 – 8 tiếng), an toàn cho sức khỏe.