Mổ lấy thai chủ động – Những điều cần biết
Vấn đề mổ lấy thai, đặc biệt khi đan có dấu hiệu chuyển dạ đang được nhiều người quan tâm, nhất là các thai phụ sắp sinh con. Bác sỹ CKII Trần Văn Hùng, Bệnh viện Phụ Sản An Thịnh, xin nêu ra một số điểm tóm tắt để cùng tham khảo
1. Những trường hợp cần phải mổ:
Nguyên nhân về mẹ:
- Mẹ bị bệnh toàn thân nặng không tiếp tục mang thai được nữa
- Mẹ bị các bệnh lý do thai gây ra: tiền sản giật, dị ứng nặng do thai.
- Tử cung có sẹo mổ cũ : mổ lấy thai > 2 lần, mổ bóc u xơ tử cung, mổ tạo hình tử cung . . .
Nguyên nhân về thai:
- Thai quá to , tiên lượng > 4 kg ở người đẻ con rạ, > 3,5 kg ở người đẻ con so
- Thai suy dinh dưỡng
- Suy thai mãn tính trong tử cungZ
Nguyên nhân về phần phụ của thai :
- Rau tiền đạo trung tâm
- Rau tiền đạo chảy máu nhiều lần
- Rau xơ hóa nặng: độ III - IV
- Hết nước ối: chỉ số ối < 30
Những lý do khác: Mẹ có tiền sử sản khoa nặng nề: thai chết lưu nhiều lần, thai chết lưu trước chuyển dạ
2. Những rắc rối có thể xẩy ra khi mổ lấy thai khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ :
Suy hô hấp cấp tính sơ sinh khi chưa có yếu tố chuyển dạ: ( tỉ lệ 0.41% - 0.48% )
- Chưa tiết ra các nội tiết tố sản xuất và phóng thích surfactant gây ra bệnh màng trong
- Không tái hấp thu dịch phổi qua hệ bạch huyết phổi nên có lượng dịch trong phổi cao.
Chảy máu sau mổ do tử cung co hồi kém:
- Do chưa chế tiết Oxytocin nội sinh
- Cơ tử cung chưa được kích hoạt
Khó khăn trong khi mổ:
Do đoạn eo tử cung chưa dãn mỏng, ngôi thai còn cao, vì vậy có thể gây nên một số biến cố khi mổ như sau:
- Chảy máu nhiều trong khi mổ
- Rách đoạn eo tử cung, hoặc rách sâu xuống cổ tử cung khi khâu sẽ khó khăn
- Lấy thai khó khăn có thể gây ngạt sơ sinh, hoặc gây sang chấn cho sơ sinh.
Khó khăn khi mổ ngoài giờ hành chính:
Lực lượng bác sỹ, nhân viên trực cấp cứu có thể không đáp ứng kịp để giải quyết những biến cố xẩy ra khi mổ
3. Ý kiến của các Bác sỹ chuyên khoa:
- Các trường hợp cần thiết phải mổ lấy thai phải được hội chẩn và chỉ định chặt chẽ.
- Không nên chỉ định rộng rãi việc mổ lấy thai chủ động, nhất là mổ theo giờ.
- Phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo về nhân lực và phương tiện, thiết bị trước khi tiến hành ca mổ .
- Nếu kích thích gây chuyển dạ trước khi mổ cũng có nhiều sự cố như: vỡ tử cung trong trường hợp mổ đẻ cũ, suy thai cấp hoặc chết thai trong trường hợp dây rau thắt nút, dây rau xoắn mà không thể biết trước .
- Phải giải thích, tư vấn thật đầy đủ, rõ ràng cho sản phụ và gia đình về nguy cơ có thể xẩy ra cho cả mẹ và con ngay cả trong và sau khi mổ lấy thai chủ động
4. Bàn luận về việc mổ lấy thai chủ động:
- Cổ nhân có câu “ sinh có hạn, tử bất kỳ “ chính là đã muốn khyến cáo chúng ta về quy luật tự nhiên của sinh học, có lẽ từ lâu đời người ta đã hiểu rằng tự nhiên đã tạo ra quy luật khá chặt chẽ. Mọi sự can thiệp trái với quy luật sẽ không tránh khỏi sự rắc rối, không nên vì những lý do chủ quan của một cá nhân nào đó mà cố thu xếp để mổ lấy thai ra khi mẹ chưa có dấu hiệu chuyển dạ để phải chịu những rủi ro không đáng có.
- Trong những năm gần đây, ở Việt Nam có tình trạng một số sản phụ và gia đình muốn kỳ vọng vào những điều tốt đẹp, chọn ngày sinh con và xin mổ lấy thai chủ động theo giờ khi mẹ chưa chuyển dạ. Hậu quả, đã có những trường hợp sau sinh, trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng, phải điều trị rất khó khăn và tốn kém, đã có một số trường hợp tử vong.
- Các thai phụ sắp được làm mẹ cần hiểu biết về việc này mà có những quyết định khoa học, hợp lý và phải tự chịu trách nhiệm khi đưa ra hoặc chấp nhận yêu cầu mổ lấy thai theo giờ. Đừng vì những ý kiến bên ngoài tác động đến cuộc sinh đẻ của chính bản thân mình và vì sự an toàn cho chính đứa trẻ mà mình sắp sinh ra.