Hãy tìm cho mình một bác sĩ gia đình!

(Dân trí) - Bác sĩ gia đình là gì? Một người thân cận với gia đình, một bác sĩ đa khoa tổng quát lại am hiểu tất cả các chuyên khoa, một người bạn am hiểu tâm lý và bệnh tình của bạn. Vậy tại sao không tìm một bác sĩ gia đình!

Vừa an toàn, vừa tiết kiệm

Bác sĩ Huỳnh Thị Kiều Thu, phụ trách Phòng khám Y học gia đình của Phòng khám đa khoa Mỹ Tùng (quận 5, TPHCM), cho biết: “Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là BS đa khoa học thêm 2 năm hệ chuyên khoa cấp I - Y học gia đình để có thể vừa có kiến thức tổng quát vừa nắm bắt được kiến thức chuyên sâu về tất cả các khoa nội, ngoại, sản, nhi…”.

Ngoài ra, BSGĐ còn được đào tạo về kỹ năng giao tiếp, y học chứng cớ, khoa học hành vi theo mô hình tâm sinh lý bệnh nhân, xã hội học, y tế công cộng… Từ đó, họ có thể giao tiếp tốt và giải quyết mọi tình huống sức khỏe cho những thành viên trong một gia đình.

BS. Huỳnh Thị Kiều Thu kể một câu chuyện để chứng minh sự cần thiết của bác sĩ gia đình: Một chị ở Bình Thuận xuất hiện một khối u ở nách, rất đau. Chị đến một BS chuyên khoa lồng ngực rất giỏi. Ông mổ lấy khối u xong nó lại mọc lên tiếp. Khi đó, bệnh nhân đến bệnh viện Ung bướu điều trị thì quá trễ.

BS Kiều Thu cho rằng: “Không phải vị BS kia không giỏi. Mà bởi vì ông ấy nghiên cứu chuyên sâu khoa lồng ngực một thời gian quá lâu, kiến thức chuyên khoa rất giỏi nhưng một số kiến thức tổng quát thì quên dần theo thời gian vì ít sử dụng”.

Còn với BSGĐ, họ vốn là bác sĩ đa khoa nên am hiểu tổng quát các loại bệnh, lại được đào tạo chuyên sâu tất cả các khoa nên họ có thể nhận biết mối tương quan giữa các loại bệnh, từ đó xác định chính xác bệnh của bệnh nhân để điều trị hoặc giới thiệu bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên nếu bệnh nặng.

Chi phí khám nhận bệnh tại hệ thống thầy thuốc gia đình thông thường cũng chỉ bằng 1/2, 1/3 so với đi khám tại bệnh viện hoặc thầy thuốc chuyên khoa. Nhờ đó, vừa có thể đảm bảo an toàn, vừa tiết kiệm cho bệnh nhân.

Vẫn còn quá mới

BS. Kiều Thu cho biết: “Hiện các BS chuyên khoa công tác tại các bệnh viện mở phòng mạch tư để khám chữa bệnh, hoạt động như một BSGĐ nhưng không được đào tạo. Còn thực tế BSGĐ là một ngành học rất mới tại Việt Nam. Tại TP.HCM đến nay cũng chỉ có Trung tâm đào tạo BSGĐ của ĐH Y dược đào tạo được 5 khoá chưa đến 100 BS”.

Ở các nước phát triển, hơn 1/2 số BS ra trường hàng năm làm công tác BSGĐ. Họ giúp điều trị cho khoảng 2/3 số bệnh nhân và giảm chi phí khám chữa bệnh cho mỗi người, mỗi gia đình. Nhưng ở nước ta thì còn quá mới, rất ít phát triển.

Năm 2006, Sở Y tế TPHCM đã hợp tác với Đại học Lìege (Bỉ) để thí điểm một số phòng khám y học gia đình tại một số phường ở Củ Chi, Bình Thạnh và một số quận. Nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng.

Thời gian qua cũng có một số cơ sở y tế cung cấp dịch vụ bác sĩ riêng, khám chữa bệnh tại nhà... tương tự như bác sĩ gia đình nhưng chi phí khám chữa bệnh rất cao. Còn dịch vụ BSGĐ thật sự với chi phí thập chỉ mới được cung cấp tại Phòng Y học gia đình và tổng quát của Bệnh viện ĐH Y dược (215 Hồng Bàng, quận 5, TPHCM), Phòng khám đa khoa Mỹ Tùng (142 Lê Hồng Phong, quận 5, TPHCM)...

TS.BS. Phạm Lê An, Giám đốc Trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình của ĐH Y dược TPHCM cho rằng: việc phát triển hệ thống BSGĐ sẽ giúp hạn chế tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên. Vì thực tế, BSGĐ có thể chữa trị 70 - 80% các loại bệnh người dân thường gặp.

M.T.