Gần 14 tỷ đồng phòng ngừa viêm gan vi rút C tại Việt Nam

Hơn 90% bệnh nhân nhiễm viêm gan vi rút C (“HCV”) không đủ điều kiện tiếp cận việc điều trị hoặc phải bỏ dở điều trị do áp lực chi phí. Thế nhưng, viêm gan vi rút C lại là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xơ gan và ung thư gan, có nguy cơ gây tử vong cao.

Đồng thời, nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm viêm gan vi rút C trong cộng đồng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Vào viện đã “mang án tử”

Tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, chị N.T.L (Gia Lâm, Hà Nội) đang chăm sóc bố 52 tuổi hiện đang bị viêm gan vi rút C giai đoạn cuối, cho biết: “Trước đây bố tôi đã từng tiêm chích ma túy. Khi phát hiện đã bị viêm gan virút C giai đoạn cuối, gia đình tôi rất lo lắng cho quá trình điều trị căn bệnh này vì các khoản chi phí dự kiến rất tốn kém trong khi thu nhập của cả gia đình chỉ ở mức trung bình”. Ông L.T.H, bệnh nhân cùng phòng với bố chị L., bị viêm gan vi rút C 15 năm nay thì lại than phiền: “Từ ngày mắc bệnh, gia đình tôi đã phải lao đao bởi chi phí điều trị căn bệnh kéo dài. Do phát hiện muộn, bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính nên việc điều trị dài hơi khiến kinh tế gia đình ông suy sụp”. Ông Hải lo lắng cho biết ông rất ân hận vì mình có khả năng lây bệnh cho vợ con và chưa biết phải làm thế nào vì chưa có vắc xin phòng ngừa căn bệnh này.

Viêm gan C diễn tiến rất âm thầm
Viêm gan C diễn tiến rất âm thầm

Thống kê từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận khoảng 800 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm gan, đa phần bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn. Theo thống kê, khoảng 85% trường hợp nhiễm viêm gan vi rút C sẽ chuyển thành viêm gan mạn tính. Đặc điểm của bệnh viêm gan vi rút C mạn tính là bệnh tiến triển thầm lặng từ 10-30 năm, nên bệnh nhân không biết mình mắc bệnh và không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ được phát hiện khi đã có biến chứng nặng như: xơ gan cổ trướng với biểu hiện trướng bụng, giãn mạch máu đường tiêu hóa, có thể vỡ gây chảy máu ồ ạt và tử vong; gan đã bị xơ khó hồi phục lại, dù tình trạng viêm có thuyên giảm; biến chứng ung thư tế bào gan.

Viêm gan vi rút C đối với người dân đã là một gánh nặng, cho nên những đối tượng có nguy cơ cao như những người có tiêm chích ma túy, mại dâm và ngay cả các nhân viên y tế cần phải được quan tâm đặc biệt.

650.000 USD giúp phòng ngừa viêm gan vi rút C tại Việt Nam

Ở nước ta, hiện nay có từ 26,3% đến 98,5% những người tiêm chích ma túy (tỷ lệ trung bình ước tính khoảng 46%) đang sống với HCV, với tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn trong số những người nhiễm HIV. Trong khi những người sử dụng ma túy có nguy cơ nhiễm HCV cao hơn, họ cũng là một trong những nhóm người có khả năng lây nhiễm HIV cao nhất trong cộng đồng.

Viêm gan C diễn tiến rất âm thầm
Ông Jan Van Acker, Trưởng Văn phòng Đại diện MSD tại Việt Nam trao tài trợ cho Bà Josselyn Neukom- đại diện tổ chức PSI

Với nỗ lực ngăn ngừa sự lây nhiễm viêm gan vi rút C, vừa qua Merck Sharp & Dohme (Asia) Ltd., (“MSD”) đã trao khoản tài trợ trị giá 650.000 USD (gần 14 tỷ đồng) cho Tổ chức Dịch vụ Dân số Quốc tế (“PSI”) để thực hiện dự án: “Tăng cường những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan vi rút C tại Việt Nam”. Ông Jan Van Acker, Trưởng Văn phòng Đại diện MSD tại Việt Nam cho biết: “Hy vọng sự phối hợp giữa MSD và PSI để thực hiện dự án này sẽ đóng góp vào việc ngăn ngừa lây nhiễm vi rút viêm gan C tại Việt Nam, đồng thời mang đến cho chúng ta thêm những phương pháp phòng ngừa hiệu quả, góp phần làm giảm gánh nặng điều trị cho gia đình bệnh nhân viêm gan vi rút C, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao nhất”.

Hiện dự án ưu tiên thực hiện ở 5 tỉnh thành có nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ cao nhất để tiến hành nghiên cứu và thực hiện. “Dự định sẽ có khoảng 7.000 bệnh nhân được tầm soát trong dự án lần này. Các hoạt động của dự án ưu tiên cho những người có nguy cơ mắc bệnh nhằm giúp họ thực hiện được thói quen ngăn ngừa bệnh thông qua việc phát triển hướng tiếp cận thông tin và các dịch vụ phòng ngừa HCV như tiêm chích, ngừa lây nhiễm cho nhau…”, Bà Josselyn Neukom, đại diện của PSI cho biết thêm.

Hy vọng, với sự hợp tác chặt chẽ giữa PSI và MSD qua dự án này, những hoạt động chủ yếu như tuyên truyền, tư vấn và khuyến khích thay đổi thói quen cần thiết ngăn chặn HCV cho nhóm người có nguy cơ cao nhưng chưa được chăm sóc đầy đủ sẽ được thực hiện một cách triệt để nhằm ngăn chặn lây nhiễm HCV trong cộng đồng tại Việt Nam.

Thanh Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm