Bệnh viện Tim Hà Nội: Đào tạo chuyển giao kỹ thuật tim mạch cơ bản
(Dân trí) - Sáng nay (22/7), GS. TS Phạm Gia Khải, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Chủ tịch danh dự Hội Tim mạch Việt Nam, Tiến Sĩ Lưu Thị Liên, Phó Giám Đốc Sở Y tế Hà Nội cùng Ban lãnh đạo bệnh viện Tim Hà Nội đã tới dự lễ khai giảng các khóa học thuộc dự án Norred và BV Tim Hà Nội.
Tại Lễ khai giảng bao gồm khóa Tim mạch học cơ bản, Cấp cứu tim mạch, Siêu âm tim kéo dài từ 1-3 tháng (22/7-22/10), PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn khẳng định: khóa đào tạo này được chuyển giao theo gói sẽ giúp các học viên tuyến dưới có trình độ chưa tốt hoàn toàn có thể theo học, thực hành và nâng cao tay nghề.
Đánh giá về ý nghĩa của các khóa học, GS.TS Phạm Gia Khải cho biết: khóa Tim mạch học cơ bản là kiến thức không thể thiếu của bất kỳ người thầy thuốc lâm sàng nào. Còn Siêu âm tim là lĩnh vực đã được phát triển từ những năm 70, là những thông tin hữu ích, khoa học, giúp các thầy thuốc tránh được các tranh cãi không cần thiết.
“Đào tạo cán bộ liên tục là yêu cầu cốt lõi vì nếu cán bộ y tế không được cập nhật thì y tế không thể phát triển”, GS. TS Phạm Gia Khải khẳng định.
Tại buổi lễ Tiến sĩ Lưu Thị Liên cũng đánh giá cao các hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ của Bệnh viện Tim Hà Nội, đặc biệt khi có sự tham dự của các học viên đến từ nước bạn Lào và khẳng định “Việc đào tạo liên tục sẽ rất hiệu quả!”.
Khóa đào tạo với 63 học viên (trong đó có 3 học viên người Lào) này thuộc dự án Norred và bệnh viện Tim Hà Nội là một trong 7 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện thuộc dự án.
Dự án Norred là một trong những dự án lớn của ngành y tế với mục tiêu dài hạn là hỗ trợ thực hiện các mục tiêu y tế quốc gia nhằm cải thiện tiếp cận của người dân tại các tỉnh thuộc dự án tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu phù hợp với các chiến lược và chính sách quốc gia về phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là việc chống quá tải và chính sách bảo hiểm y tế toàn dân thông qua nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến tỉnh và tuyến huyện và tăng cường khả năng tiếp cận tới các dịch vụ này của người dân.
Dự án tập trung vào 13 tỉnh trong khu vực Đông Bắc bộ Đồng bằng sông Hồng bao gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình và Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên.
Trần Phương