Bệnh không lây nhiễm - Âm thầm diễn tiến, đe dọa toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới WHO thống kê các bệnh không lây nhiễm (NCDs) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Thật vậy, kết quả theo dõi năm 2008 cho thấy cứ 3 ca tử vong thì sẽ có 2 người qua đời vì các bệnh không lây nhiễm.
Điều này được Tổng Giám đốc WHO miêu tả như một “thảm họa âm thầm diễn tiến”.
Bệnh không lây nhiễm - Vấn nạn toàn cầu
Bệnh không lây bao gồm các căn bệnh liên quan đến tim mạch, ung thư, chứng hô hấp kinh niên và đái tháo đường. Các nước Đông Nam Á gần như là tâm chấn của các bệnh không lây nhiễm này với hơn 2,5 triệu ca tử vong hằng năm, chiếm 60% nguyên nhân tử vong trong khu vực. Với tốc độ phát triển của các bệnh không lây nhiễm cùng với lượng dân số đang có xu hướng già đi, số ca tử vong hằng năm do NCDs được dự đoán sẽ còn tăng đáng kể.
Riêng tại Việt Nam, WHO ước tính năm 2008 có 430.000 ca tử vong vì các bệnh không lây nhiễm, chiếm 75% nguyên nhân tử vong trên cả nước. Trong đó, 40% số ca tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch, 14% là do ung thư, 8% do các bệnh mãn tính về đường hô hấp và 3% liên quan tới bệnh Đái tháo đường.
Theo báo cáo của Tổng thư ký WHO vào ngày 28/11/2012: Về tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động liên ngành trong việc ngăn chặn và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, chính phủ ở các nước đang phát triển không chỉ nỗ lực để giải quyết các bệnh không lây nhiễm, mà còn nhận thức rõ tác động của bệnh này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại vẫn chưa thực sự được đánh giá ở đúng mức độ và quy mô.
Tiến sĩ Hà Anh Đức thuộc Bộ Y tế chia sẻ để đẩy mạnh ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, chúng ta cần phải có sự hợp tác với hệ thống ngăn ngừa NCDs tại nhiều quốc gia và trên toàn thế giới. Không một đất nước nào có thể tự mình đối phó với vấn đề này. Chính vì thế, việc hợp tác là một vấn đề mang tính tiên quyết.
Giải pháp cho bệnh không lây nhiễm
Công ty điện tử Philips – công ty tiên phong trong công nghệ chăm sóc sức khỏe đã phát động chương trình Hội nghị Chăm sóc sức khỏe ASEAN 2012: Phòng chống các bệnh không truyền nhiễm tại khu vực Đông Nam Á. Buổi lễ khai mạc đã thu hút gần 80 thành viên tham gia thảo luận. Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Vietnam, Thailand và Philippines là bảy nước chủ nhà luân phiên tổ chức loạt sự kiện này.
Chương trình là nơi hội tụ của các nhà hoạch định chính sách, các nhóm bệnh nhân, các chuyên gia và các cơ sở y tế tại bảy quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cùng hội đàm và tìm ra câu trả lời cho các thách thức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hiện nay với định hướng ứng dụng toàn cầu và phát triển một cách bền vững.
Philips mong muốn với sự ra đời của diễn đàn này, các chuyên gia có điều kiện cùng ngồi lại để có cái nhìn toàn diện hơn về hàng loạt thách thức đến từ các bệnh không lây nhiễm và xem xét các khả năng diễn tiến của bệnh trong khu vực cũng như sức ép của nó lên hệ thống y tế của từng quốc gia.
“Philips hiểu rằng các bệnh không lây đang gây ra thách thức ngày càng lớn cho khu vực Đông Nam Á. Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi chưa từng có. Các nước trong khu vực cần ngồi lại với nhau và xem xét những hướng giải quyết mới để kiểm soát và ngăn chặn các bệnh không lây”, ông Ngô Văn Huy – Tổng Giám Đốc công ty Điện tử Philips Việt Nam phát biểu. “Buổi khai mạc Hội nghị Y tế Đông Nam Á đã đem đến một số đề xuất hữu ích, có thể phát triển, mở rộng thành các sáng kiến và chính sách hành động để giảm bớt gánh nặng của bệnh không lây lên hệ thống Y tế các quốc gia”, ông Huy nói.
Tiến sĩ Graham Harrison, đại diện WHO tại Việt Nam cũng đưa ra các kiến nghị trong văn kiện gửi đến Bộ Y tế Việt Nam về nỗ lực chung nhằm tăng cường phòng chống và kiểm soát các bệnh không truyền nhiễm tại Việt Nam.
Ông cho biết: “Điều quan trọng cần làm là đẩy mạnh vai trò của Bộ Y tế trong việc hợp tác và lãnh đạo. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống các bệnh không lây cần xem xét lại cơ cấu cũng như đổi mới trong cách tiếp cận toàn diện và đa chiều hơn. Các kế hoạch quốc gia từ trung bình đến dài hạn để phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nên được phát triển một cách ưu tiên. Những chiến lược này cần được lồng ghép vào các chính sách và các chương trình y tế quốc gia.”
Bích Nga