Ăn ngon, nhưng coi chừng!
Người tiêu dùng đang phải “đương đầu” với nhiều loại thực phẩm bẩn như hiện nay. Không chỉ đau bụng, tiêu chảy, thức ăn nhiễm bẩn, nhiễm độc tố đã khiến hệ miễn dịch của con người trở nên dần suy yếu, dễ dàng nhiễm bệnh tật nguy hiểm.
Nhiều người tự hỏi làm cách nào để bảo vệ sức khỏe trong tình trạng “chạy trời không khỏi… thực phẩm bẩn” thế này? Câu trả lời là: Hãy bắt đầu từ việc thay đổi chế độ dinh dưỡng cân bằng và bổ sung thêm các thực phẩm có lợi khuẩn Probiotics mỗi ngày.
Tại sao Probiotics làm được điều đó?
Các nghiên cứu khoa học khẳng định, ruột là cơ quan lớn hàng thứ hai sau hệ hô hấp trong cơ thể con người. Suốt cuộc đời của một người bình thường, đường ruột phải làm nhiệm vụ lưu thông và phân hóa hơn 60 tấn thức ăn. Vì thế, đây cũng được xem là lối vào đầu tiên của các vi khuẩn có hại xâm nhập cơ thể thông qua thức ăn và nước bọt.
Trong đường ruột của con người lúc nào cũng diễn ra cuộc chiến “sinh tử” giữa các vi khuẩn có lợi và các vi khuẩn có hại. Khi lượng vi khuẩn có lợi được bổ sung đầy đủ cho cơ thể, chúng tràn trề sinh lực, cạnh tranh không cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Cơ thể nhờ đó sẽ khỏe mạnh theo. Ngược lại, khi nhóm vi khuẩn có lợi xuống sức, không được bổ sung kịp thời, cơ thể sẽ bị các vi khuẩn gây hại bành trướng. Đến lúc đó, hệ miễn dịch nhanh chóng suy yếu, không chỉ các bệnh đường ruột mà hàng loạt bệnh tật nguy hiểm khác sẽ tăng nhanh.
Nhóm vi khuẩn có lợi đóng vai trò rất quan trọng với hệ miễn dịch của cơ thể nói trên có tên gọi chung là Probiotics. Probitotics trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “vì sức khỏe”, nó giúp con người tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ tiêu hóa và chống lại rất nhiều bệnh tật phát sinh từ bên trong đường ruột.
Probiotics sinh ra những acid (yếu) có lợi cho đường ruột như acid butyric, có vai trò giảm những hóa chất gây ung thư trong đường ruột và kích thích các tế bào niêm mạc ruột bị tổn thương mau biệt hóa và hồi phục chức năng.
Probiotics giúp chuyển hóa, bài tiết chất độc và chiếm chỗ của các chủng vi khuẩn gây bệnh, giảm cholesterol hay triglyceride trong máu, chống táo bón, giảm thiểu dị ứng do ngộ độc thức ăn và giúp ngăn ngừa khả năng ung thư ruột.
May mắn là Probiotics không phải dòng vi khuẩn đắt giá, khó tìm. Hiện nay, tại rất nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, ở Châu Âu và cả Việt Nam, Probiotics đã được đưa vào những thực phẩm có thể dùng hàng ngày như sữa chua ăn, sữa chua uống…
Chỉ bằng một thay đổi nhỏ trong chế độ dinh dưỡng, cung cấp đủ Probiotics đều đặn cho cơ thể mỗi ngày, con người đã giảm thiểu được phần nào những nguy cơ bệnh tật và bảo vệ sức khỏe tốt.
BS Thu Hậu