Ăn Chay - Giải pháp cho một địa cầu xanh!
Tháng 8 năm 2008, tiến sĩ Rajendra Pachauri, chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC, người đã thay mặt Ủy ban nhận giải thưởng Nobel đã lên tiếng khuyên người ta nên ăn ít thịt để góp phần vào việc bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội tiết chế Mỹ (ADA) và Hiệp hội Y tế Anh (BMA) “Ăn chay đáp ứng tất cả nhu cầu về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và người lớn. Ngoài ra ăn chay còn có thể hạn chế được các bệnh béo phì, bệnh mạch vành, huyết áp cao, rối loạn ruột, ung thư, sỏi mật…”
Ngành chăn nuôi chịu trách nhiệm chính cho ô nhiễm môi trường:
Ô nhiễm nguồn nước: những chất thải ra từ các trại chăn nuôi vào các nguồn nước có thể là ni tơ (dưới dạng ammôniác, Nitơ phân tử, các nitrát,…). 64% lượng ammôniác do con người tạo nên là từ chăn nuôi.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết: "Bò chứ không phải xe hơi, là đe dọa hàng đầu cho môi trường". Nếu để sản xuất 1kg bắp người ta chỉ cần 900 lít nước thì muốn có 1kg thịt bò, lượng nước cần dùng lên đến 15500 lít.
Các loại vi sinh vật và ký sinh trùng thải ra từ phân, rác chăn nuôi cũng là một hiểm họa lớn cho sức khỏe con người.
Khoảng 70% rừng vùng Amazon đã bị phá để dùng cho chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi - Thủ phạm chính tạo ra khí nhà kính gây biến đổi khí hậu:
Năm 2006, tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã ước tính rằng chăn nuôi gia súc để lấy thịt và bơ sữa chịu trách nhiệm cho 18 % của nạn hâm nóng toàn cầu, nhiều hơn cả khí thải nhà kính có nguồn gốc từ mọi phương tiện giao thông trên thế giới (xe cộ đường bộ, hàng không ...) chỉ là 14%.
Trong lượng khí thải này có 9% là CO2, 37% là mêtan và 65% là oxit nitrơ. Nếu mêtan mạnh gấp 21 lần CO2 trong việc gây ra biến đổi khí hậu thì oxit nitrơ còn mạnh gấp 296 lần. Năm 2007, một nhà nghiên cứu người Nhật đã tính rằng để có 1 kg thịt bò người ta đã cho thoát ra không trung 36,4 kg khí CO2 tức là tương đương với việc lái xe liên tục trong 3 tiếng đồng hồ đồng thời quên tắt đèn trong nhà hay cũng tương đương với việc thắp một bóng đèn 100 watt trong 20 ngày.
Phân súc vật khi phân hủy trong môi trường yếm khí cũng phát ra khí mê tan (18 triệu tấn mỗi năm) và một lượng lớn oxit nitrơ (khoảng 3,6 triệu tấn/năm).
Tháng 8 năm 2008, tiến sĩ Rajendra Pachauri, chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC, người đã thay mặt Ủy ban nhận giải thưởng Nobel đã lên tiếng khuyên người ta nên ăn ít thịt để góp phần vào việc bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu. Ông đưa ra những con số rất hùng hồn là một người ăn chay trong 70 năm đã giảm được 100 tấn khí CO2 tung ra không trung. Chính tiến sĩ Pachauri đã ăn chay từ 10 năm nay và cho là đã giảm được 12 tấn CO2.
Chuyển sang ăn thuần chay - Một giải pháp cho nạn đói trên thế giới:
Một nửa số nước, 80% đất làm ruộng tại Hoa Kỳ, 90% sản lượng đậu nành, và hơn một nửa số thóc gạo của thế giới được dùng để nuôi thú vật lấy thịt. Để có được 1kg thịt bò người ta cần 10 kg ngũ cốc làm thức ăn cho chăn nuôi, 1 kg thịt heo cần từ 4 đến 5,5 kg ngũ cốc, 1 kg thịt gia cầm cần 2,1 đến 3 kg ngũ cốc.
Phải sử dụng từ 7 đến 16 kg đậu nành để tạo ra 1 kg thịt do đó người ta đã lãng phí 90% prôtêin, 99% hydratcacbon và 100% chất xơ là những chất cần cho sức khỏe con người.
Trong khi chúng ta đang làm những việc này, 1 tỷ người đang bị nạn đói và thiếu dinh dưỡng, 24.000 trẻ em qua đời mỗi ngày bên cạnh những cánh đồng lúa dùng để nuôi súc vật. Tuy nhiên, nạn đói trên thế giới sẽ được xóa bỏ bằng cách chuyển đất đai trồng thóc lúa nuôi súc vật sang việc nuôi nhân loại.
Những người nổi tiếng ăn chay :
Lỹ Mỹ Kỳ : “Tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Tôi tràn trề nhựa sống và cực kỳ hài lòng khi biết rằng mình đang làm điều gì đó có ích để cùng ngăn chặn việc giết hại động vật”.
Paul McCartney, nhạc sĩ nổi tiếng của ban nhạc huyền thoại Beatles: “Điều thay đổi lớn lao nhất nhất mà ai cũng có thể thực hiện được là trở thành… người ăn chay. Tôi thiết tha kêu gọi mọi người hãy thực hiện điều đơn giản này để cứu lấy môi trường sinh sống của chúng ta”.
Ăn Chay - Sống Xanh - Để Cứu Trái Đất!
Ngọc Minh tổng hợp