Tư vấn pháp luật
Hiệu cầm đồ có quyền bán tài sản cầm cố?
(Dân trí) - Tôi có một người bạn, khoảng tháng 6/2009, anh ta có mang một chiếc xe máy Dream Thái đến cầm đồ ở một cửa hàng trên đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội với giá là 3,5 triệu. Trong giấy tờ cầm xe không ghi ngày đến hạn phải lấy xe.
Sau đó, tháng 07/2009, bạn tôi có đến trả 500.000 đồng (bao gồm cả tiền lãi và một phần tiền gốc), còn lại gốc là 3,2 triệu đồng. Ngày 24/08/2009, bạn tôi mang tiền, cả lãi lẫn gốc đến để lấy lại xe nhưng chủ hiệu cần đồ nói: Đã bán xe của bạn tôi.
Vậy trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào? Điều này có được coi là sử dụng trái phép tài sản của người khác không?
Rất mong nhận được sự giúp đỡ của Quý Báo! (vinhp90@gmail.com)
Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời:
Theo thông tin bạn cung cấp, việc cầm cố tài sản giữa bạn của bạn (sau đây gọi là anh A) và hiệu cầm đồ là không có thoả thuận về thời hạn cầm cố. Theo quy định tại 329 - Bộ luật Dân sự năm 2005: “Thời hạn cầm cố tài sản do các bên thoả thuận. Trong trường hợp không có thoả thuận thì thời hạn cầm cố được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố”.
Do đó, thời hạn cầm cố sẽ được xác định theo thời hạn của Hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn và có lãi, được quy định tại Khoản 2 - Điều 477 - Bộ luật dân sự năm 2005: “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
Vì vậy, hiệu cầm đồ chỉ được bán tài sản cầm cố của anh A, khi hiệu cầm đồ đã yêu cầu anh A thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong thời gian hợp lý, nhưng hết thời hạn đó, anh A không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho hiệu cầm đồ. Do đó, việc tự ý bán tài sản cầm cố nêu trên của hiệu cầm đồ đã vi phạm Khoản 2 - Điều 332 - Bộ luật Dân sự năm 2005: “Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố; không được đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác”.
Tại Điều 18 - Nghị định số 163/NĐ – CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch đảm bảo có quy định về trách nhiệm của bên nhận cầm cố trong trường hợp bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố, đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác như sau:
“1. Trường hợp bên nhận cầm cố bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố, đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác trái với quy định tại khoản 2 Điều 332 Bộ luật Dân sự thì bên cầm cố có quyền đòi lại tài sản đó và yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra; bên cầm cố không có quyền đòi lại tài sản trong các trường hợp sau đây:
a) Bên mua, bên nhận trao đổi, bên được tặng cho được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Dân sự;
b) Bên mua, bên nhận trao đổi tài sản cầm cố là động sản không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu và ngay tình theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Dân sự.
2. Trong trường hợp bên cầm cố không có quyền đòi lại tài sản từ bên mua, bên nhận trao đổi, bên được tặng cho theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên nhận cầm cố phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố”.
Căn cứ vào các quy định trên, do tài sản cầm cố là chiếc xe máy Dream Thái, là động sản thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu. Do đó, anh A có quyền yêu cầu hiệu cầm đổ phải hoàn trả lại lại tài sản cầm cố là chiếc xe máy Dream Thái và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Nếu giữa anh A và hiệu cầm đồ không thể tự thoả thuận được với nhau về cách thức giải quyết vụ việc, thì anh A có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân, đề nghị Toà án nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Luật sư Hồng Bách và Cộng sự, Số 6 đường Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 84.4. 37868574 Fax: 84.4. 37868575. Website: hongbach.com