Cần hiểu đúng về kế hoạch thanh tra

Kế hoạch thanh tra năm 2018 của Bộ Xây dựng vừa phê duyệt là kế hoạch thanh tra định kỳ hàng năm, nhưng dư luận lại có cách nhìn chưa đúng về kế hoạch này. Nhiều người cho rằng: doanh nghiệp này bị “sờ gáy”, doanh nghiệp kia bị “xử lý”…Những điều đó gây sự phản cảm, không đúng với bản chất của công tác thanh tra định kỳ. Một số doanh nghiệp cho rằng, họ đang bị xúc phạm. Để hiểu cho đúng, TS. Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã có cuộc trao đổi với PV Báo Xây dựng về vấn đề này.


TS. Phạm Gia Yên - nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng trao đổi với PV Báo Xây dựng về kế hoạch thanh tra.

TS. Phạm Gia Yên - nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng trao đổi với PV Báo Xây dựng về kế hoạch thanh tra.

PV: Thưa ông! Sau khi Bộ Xây dựng phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2018, nhiều thông tin cho rằng, các doanh nghiệp sắp bị thanh tra “sờ gáy”, thậm chí, bị “xử lý”. Nói như vậy có đúng không, thưa ông?

TS. Phạm Gia Yên: Tôi cho rằng, dư luận nói như vậy là chưa đúng. Để hiểu một cách chính xác về kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ Xây dựng cũng như nhiều Bộ, Ngành khác thì cần biết rằng việc lập kế hoạch thanh tra hàng năm là được quy định trong Luật Thanh tra. Các cơ quan thanh tra phải lập kế hoạch thanh tra để trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký theo thời gian quy định đối với từng cấp trong hệ thống thanh tra Nhà nước.

Trước khi lập kế hoạch thanh tra thì cơ quan tranh tra phải gửi bằng văn bản tới các đối tượng dự kiến thanh tra và nêu rõ các dự án cần được thanh tra. Sau khi các đối tượng thanh tra gửi ý kiến về cơ quan thanh tra thì cơ quan thanh tra chịu trách nhiệm tổng hợp dự kiến kế hoạch thanh tra.

Dự kiến kế hoạch thanh tra sẽ được xin ý kiến của thanh tra các Bộ, Ngành liên quan, Kiểm toán Nhà nước để tránh chồng chéo trong công tác thanh tra. Và cuối cùng là Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra đối với thanh tra các Bộ, Ngành. Kế hoạch thanh tra phải được công bố rộng rãi và gửi trực tiếp đến các đối tượng được thanh tra trong kế hoạch được duyệt. Nói như vậy để thấy rằng, các đối tượng thanh tra đã biết trước, đã thỏa thuận về kế hoạch thanh tra chứ không phải là “sờ gáy”, “xử lý” như dư luận đã nêu.


Việc lập kế hoạch thanh tra hàng năm được quy định trong Luật Thanh tra.

Việc lập kế hoạch thanh tra hàng năm được quy định trong Luật Thanh tra.

PV: Xin ông cho biết, mục tiêu của các cuộc thanh tra theo kế hoạch là gì?

TS. Phạm Gia Yên: Trong thanh tra phải đảm bảo 3 mục tiêu lớn:

Thứ nhất, qua một cuộc thanh tra trước hết, nhằm phát hiện những bất cập của pháp luật, những vấn đề còn thiếu, những khe hở và những khoảng trống của pháp luật mà trong thực tiễn hoạt động các đối tượng thanh tra phát hiện để cơ quan thanh tra tổng hợp kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thứ hai, qua một cuộc thanh tra cũng là một hình thức hướng dẫn, phổ biến pháp luật, giúp cho doanh nghiệp hiểu biết về pháp luật, tránh những việc sai trái xảy ra, qua đó, chấn chỉnh để giúp doanh nghiệp hiểu rõ và hoạt động tốt hơn theo luật pháp.

Thứ ba, qua thanh tra có thể kiến nghị thu hồi, giảm trừ những nguồn kinh phí của Nhà nước mà doanh nghiệp thực hiện không đúng trong việc sử dụng vốn Nhà nước. Cùng với đó là việc chấn chỉnh về chất lượng công trình, chấn chỉnh tình trạng lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền, không đúng quy trình theo quy định pháp luật và những vấn đề khác theo chức năng quản lý Nhà nước của ngành. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Các kết luận thanh tra cũng phải được công khai minh bạch theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.

PV: Theo ông, thực tế qua mỗi cuộc thanh tra trước đây thì doanh nghiệp nói gì?

TS. Phạm Gia Yên: Trong thực tế nhiều năm qua công tác thanh tra xây dựng, tôi thấy rằng, nếu làm đúng như các nội dung nêu trên thì đa phần các doanh nghiệp sau thanh tra đều phát triển và nắm vững tốt hơn về pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, nội bộ mất đoàn kết nhưng sau một cuộc thanh tra thì hầu hết các doanh nghiệp này đều phát triển, làm ăn tốt hơn và hiểu pháp luật đầy đủ hơn. Muốn đạt được như vậy thì kết luận thanh tra trước hết phải đúng pháp luật, thấu tình đạt lý và nghiêm cấm sự áp đặt của cơ quan thanh tra. Đặc biệt, các vi phạm nêu trong kết luận thanh tra thì đối tượng thanh tra phải “tâm phục khẩu phục” để không gây khiếu kiện phức tạp. Nếu hiểu không đúng về kế hoạch thanh tra định kỳ hàng năm và mục tiêu của cuộc thanh tra thì sẽ là rào cản gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp và tạo ra các khiếu kiện phức tạp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Xây dựng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm