Nông dân lớp 6 sở hữu hai bằng sáng chế độc quyền
(Dân trí) - Là một nông dân chỉ mới học lớp 6 nhưng ông Quách Văn Hôm (48 tuổi, ngụ thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã tự nghiên cứu và sản xuất thành công 2 sản phẩm phục vụ nông dân là máy sấy khô hai chiều và máy xúc lúa đóng bao, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp 2 bằng sáng chế độc quyền.
Ông Quách Văn Hôm cho biết, trước khi sáng tạo thành công 2 chiếc máy trên, ông đã mày mò và cho ra đời nhiều sản phẩm cải tiến phục vụ sản xuất lúa như máy bơm nước, máy xới, máy phun thuốc, máy suốt lúa,… Tuy nhiên, thấy nỗi vất vả của nông dân thu hoạch lúa vào mùa mưa phải sấy khô mới đảm bảo chất lượng hạt lúa, nhưng việc sấy lúa lại không đơn giản, khi tốn thời gian, công sức và chi phí nên lợi nhuận không được nhiều và chất lượng hạt lúa không đảm bảo. Từ đó, ông Hôm đã trăn trở, tìm tòi và cho ra đời chiếc máy sấy khô hai chiều.
Theo ông Hôm, sau khi thu hoạch xong, lúa được đưa vào lò sấy thủ công với khoảng 10 người vác lúa đổ vào dàn sấy, cào bằng với độ dày lớp lúa sấy khoảng 30cm, sau đó đốt lửa sấy khô lúa. Kiểm tra thấy lớp lúa bên dưới đã khô, người ta dừng đốt lửa, cho người vào đảo lúa lên rồi sấy tiếp. Để đảo một mẻ sấy khoảng 6 tấn lúa phải cần đến 4 người làm từ 2- 3 giờ đồng hồ, nhưng việc đảo lúa cũng không thể đều được. Sấy xong một mẻ hết từ 18 giờ đồng hồ. Từ đó ông nghiên cứu và sản xuất thành công máy sấy khô hai chiều.
Chiếc máy sấy khô của ông Hôm thiết kế có công suất 6 tấn/mẻ sấy, được đặt trong nhà, dàn sấy rộng khoảng 50m2 được thiết kế như một cái hộp, bên trên hộp có nắp đậy cơ động. Sau khi cho lúa vào sàng, đốt lửa, bật quạt để đẩy hơi nóng vào sấy lúa. Lúc đó, ông cho mở nắp hộp để hơi nóng đi từ dưới lên và thoát ra ngoài trời. Sau khi kiểm tra thấy lớp lúa phía dưới đã khô thì cho đậy nắp hộp lại, tiếp tục đốt lửa, chỉnh hướng quạt, mở lối thoát hơi ở bên dưới. Lúc đó, hơi nóng từ dưới lên gặp chiếc nắp hộp đậy kín không thể thoát ra ngoài, lại có sự trợ giúp của quạt nên hơi nóng đó lại đi từ trên xuống, sấy khô lớp lúa ở bên trên. Thời gian sấy một mẻ lúa 6 tấn chỉ hết khoảng 6 giờ đồng hồ. Qua đó khắc phục được tình trạng sấy khô không đồng đều, giúp tăng năng suất sấy và tăng chất lượng hạt lúa sau khi sấy. Chi phí sản xuất mỗi chiếc máy sấy khô hai chiều này khoảng 120 triệu đồng. Theo tính toán của ông Hôm, sấy lúa bằng loại máy này vừa tốn ít thời gian, công sức vừa tiết kiệm được chi phí hàng triệu đồng cho mỗi mẻ lúa.
Ông Hôm tâm sự: “Nhà nông làm ruộng vất vả với nhiều công đoạn. Lúa gặt xong phải phơi, sấy, vô bao, bảo quản,… Nếu phơi, sấy chậm trễ thì lúa sẽ giảm chất lượng, nông dân làm ruộng khó có lời. Vì vậy, tôi cố gắng mày mò, sáng chế ra chiếc máy sấy để vừa làm cho nhà, vừa giúp bà con bớt vất vả, giảm chi phí, tăng lợi nhuận”.
Sau máy sấy khô hai chiều, ông Hôm tiếp tục cho ra đời chiếc máy xúc lúa đóng bao với công suất 10 giây cho một bao lúa, gấp hàng chục lần so với xúc thủ công.
Chỉ cho chúng tôi chiếc máy xúc lúa đóng bao đã hoàn thành, ông Hôm giới thiệu, máy này rất gọn nhẹ, trọng lượng chỉ 170 ký. Khi vận hành chỉ một người điều khiển bởi máy có tay cầm, có bánh xe để di chuyển dễ dàng. Máy rất cơ động, hoạt động được trên sân xi-măng, sân lưới, sân lò sấy,... phần trước bánh xe có gạt lúa để bánh không cán lên phần lúa còn lại. Đặc biệt, mặt nền kê bao lúa có kết cấu nhồi nhún để bao lúa được đầy, chắc hơn. Chi phí sản xuất một chiếc máy này khoảng 30 triệu đồng. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp, nhà nông trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt mua máy về sử dụng trong sản xuất.
Hiện 2 sáng chế của ông Hôm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Đồng thời ông cũng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015 vừa qua.
Ông Quách Văn Hôm tâm sự: “Sau khi sáng tạo thành công hai loại máy đó, tôi đã làm thủ tục và được Sở Kế hoạch - Đầu tư Sóc Trăng cấp giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mong muốn của tôi là làm ra nhiều sản phẩm phục vụ nông dân nhưng do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên cần vốn, cần sự hỗ trợ của nhà nước. Tôi đã làm hồ sơ gửi đến Ban Quản lý Dự án Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng xin tài trợ kinh phí thực hiện dự án nhưng thật buồn là sau khi thẩm định hồ sơ dự án, họ chỉ đồng ý tài trợ cho tôi 20 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với một số dự án khác nên tôi thất vọng quá, không nhận tài trợ vì số tiền đó quá ít so với hai máy tôi đã được cấp bằng độc quyền. Tôi cũng không hiểu vì sao lại như vậy, trong khi số tiền của dự án hiện vẫn còn hàng chục tỷ đồng. Nguyện vọng của tôi là được tài trợ kinh phí để đảm bảo thực hiện tốt dự án của mình, dự án phục vụ hữu ích cho nông dân trong giai đoạn hiện nay”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo là một trong những hoạt động trọng tâm của Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, được triển khai từ năm 2014 đến năm 2017 ở các địa phương trong tỉnh, với tổng kinh phí tài trợ 12 tỷ đồng. Mục tiêu Chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp hiện thực hóa những ý tưởng mới, sáng tạo, hiệu quả và thân thiện với môi trường trong sản xuất kinh doanh.
Vừa qua, Chương trình đã tài trợ cho một số dự án với số tiền khoảng từ 40% - 48% số tiền đề xuất của người thực hiện dự án. Cụ thể, một doanh nghiệp được tài trợ 353 triệu đồng trong tổng số 901,320 triệu đồng doanh nghiệp đề xuất; một doanh nghiệp được tài trợ 280 triệu đồng trong tổng kinh phí thực hiện là 667,875 triệu đồng và một hộ kinh doanh được tài trợ 79,9 triệu đồng trong tổng kinh phí thực hiện 165,6 triệu đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp của ông Quách Văn Hôm, nếu thực hiện 2 máy với kinh phí khoảng 150 triệu đồng nhưng chỉ được tài trợ 20 triệu đồng, chỉ khoảng 13% là quá ít.
Cao Xuân Lương