Sáng chế của “hai lúa” được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam

(Dân trí) - Trước cảnh người nông dân chịu nhiều độc hại khi phun thuốc bảo vệ thực vật, chàng nông dân 7X Trần Thanh Tuấn ở An Giang đã sáng tạo thành công chiếc xe được điều khiển từ xa, giúp bà con phun thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Sáng chế của anh vừa được đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2016.

Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người nông dân khi canh tác lúa và với kinh nghiệm thực tế của mình, chàng nông dân Trần Thanh Tuấn một thợ sửa điện tử ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang đã quyết tâm chế tạo máy phun thuốc điều khiển từ xa bằng cách vận dụng hệ thống robot điều khiển từ xa thông qua các chương trình tổ chức hội thi robot quốc tế trên ti vi, internet và hệ thống di chuyển bằng bánh xích của máy gặt đập liên hợp.

Máy phun thuốc điều khiển từ xa được thiết kế với khung sườn nhẹ để di chuyển trên đất lún. Khoảng cách từ các thiết bị đến mặt đất là 80 cm, tránh ảnh hưởng đến lúa.


Máy phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa của nông dân Trần Thanh Tuấn

Máy phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa của nông dân Trần Thanh Tuấn

Máy có cấu tạo gồm hai bánh xích, một máy nổ, một máy bơm gắn kết với một thùng nhựa 120 lít. Phía trước là hệ thống cảm ứng dùng để điều khiển từ xa. Chỉ cần khởi động máy nổ, bấm những nút tương ứng trên remote, máy sẽ di chuyển thực hiện những tính năng tương ứng.

Bánh xích được thiết kế đặc thù với cơ chế chênh lệch về số vòng quay khi rẽ, thuận lợi khi di chuyển và giúp thiết bị di chuyển ổn định trên nền đất ẩm.

Điều đặc biệt của chiếc máy này là có thể đứng cách xa 100 m để điều khiển thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật, loại bỏ hoàn toàn mối nguy hiểm từ việc ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun, rất an toàn cho người nông dân khi sử dụng.


Máy được điều khiển từ xa nên giải quyết tình trạng nhiễm độc khi dùng phương pháp thủ công

Máy được điều khiển từ xa nên giải quyết tình trạng nhiễm độc khi dùng phương pháp thủ công

Đây cũng là sản phẩm phun thuốc bảo vệ thực vật đầu tiên tại tỉnh An Giang có kết hợp hệ thống điều khiển từ xa và có thể di chuyển trên nền đất mềm nhờ hoạt động của cụm bánh xích. Sự sáng tạo của nông dân Trần Thanh Tuấn đó là sử dụng hệ thống động cơ điện kết nối với bánh xích để di chuyển và sử dụng hệ thống bơm áp suất nên có khả năng phun sương mạnh phù hợp sử dụng trên cây lúa và màu.

Máy được thiết kế kích thước nhỏ ngọn, tiện dụng dễ dàng vận chuyển và đặt để mà không chiếm quá nhiều diện tích. Máy không chỉ sử dụng để phun xịt thuốc cho lúa mà còn dùng để phun xịt nhiều loại cây nông nghiệp khác như đậu, cà chua, ớt, rau cải,…

Nhớ lại những ngày đầu nghiên cứu, sáng tạo ra chiếc máy anh Tuấn chia sẻ: “Thời gian đầu cũng rất là khó khăn bởi mình không có vốn. Để thỏa niềm đam mê nghiên cứu, mình phải đi vay tiền bạn bè và quyết tâm cho ra đời chiếc máy. Mấu chốt ở đây là cần phải biết vận dụng, kết hợp những thiết bị có sẵn trên thị trường như động cơ xe đạp điện, sắt phế liệu… để chết tạo được máy có khả năng ứng dụng, hiệu quả cao, giá thành thấp.”


Chàng hai lúa Trần Thanh Tuấn bên cạnh chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa

Chàng "hai lúa" Trần Thanh Tuấn bên cạnh chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa

Với sản phẩm này anh Trần Thanh Tuấn đã đạt Giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ 9 năm 2014-2015 do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang tổ chức; Giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 năm 2014-2015 do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Trao đổi với Dân trí, anh Trần Thanh Tuấn cho biết: Sau khi máy phun thuốc bảo vệ thực vật được bán trên thị trường, đến nay đã có khoảng 200 khách hàng có nhu cầu đặt mua, tuy nhiên do điều kiện có hạn, nên cơ sở sản xuất chỉ có khả năng đáp ứng một phần nhu cầu của khách hàng.

Cũng theo anh Tuấn, lợi nhuận khi phun thuốc bằng máy so với phun thuốc truyền thống trong một ngày làm việc là gấp đôi. Hiện nay máy được bán trên thị trường với giá khoảng 32 triệu đồng/máy.

“Nếu có nguồn vốn để mở rộng cơ sở và sản xuất hàng loạt chắc chắn giá thành của sản phẩm sẽ giảm đi đáng kể” – Anh Tuấn nói.

Như vậy, cùng với lợi ích về kinh tế, máy phun thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho nông dân; giải quyết lao động thiếu hụt tại địa phương; giảm lao động chân tay cho nông dân; giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương;…

Nguyễn Hùng