Yêu nhau chẳng ngại đường xa

(Dân trí) - “Xa mặt, cách lòng” - khoảng cách là thử thách lớn nhất cho những người yêu nhau, thậm chí là kẻ thù của đôi lứa. Ấy là chuyện trước kia, điều đó giờ không còn đúng.

 

 

 

Yêu nhau chẳng ngại đường xa - 1
 

Từ những đôi đang yêu...

 

Luo, hiện đang làm việc tại Bắc Kinh, Trung Quốc luôn giữ trong tâm trí 2 múi giờ mỗi ngày, giờ Bắc Kinh và giờ Cairo.

 

Cô và bạn trai đã yêu nhau được 5 năm, kể từ khi bạn trai cô được giao đi làm việc tại Cairo, Ai Cập cách đây 1 năm, họ đã phải duy trì một mối tình xa cách.

 

Theo một cuộc điều tra được thực hiện trên Internet, trong số 1641 người tham gia, hơn 60% cho biết có thể chấp nhận yêu nhau dù “ngăn sông cách núi”, bởi họ tin rằng tình yêu thực sự sẽ chiến thắng mọi khoảng cách.

 

Trong khi đó 35% có thái độ trái ngược. Họ cảm thấy rất buồn khi bị ngăn cách với người yêu.

 

Còn đây là một đôi tình nhân khác. Li và bạn gái của anh là Yang yêu nhau từ khi học ĐH. Sau khi ra trường, mỗi người phải đi một nơi do hoàn cảnh công việc.

 

Cả Li và Yang đều nói rằng họ nhớ nhau nhiều hơn những đôi tình nhân khác được ở cùng thành phố, nhưng may mắn là cả hai rất tâm đầu ý hợp.

 

Giao thông và liên lạc ngày càng hiện đại đã tạo điều kiện cho những mối tình xa cách. Nhờ đó ngày nay những mối tình như thế phổ biến hơn nhiều so với trước đây.

 

Li cho biết 5 năm qua anh cùng bạn gái vẫn duy trì tình cảm nhờ kiên nhẫn, tin tưởng lẫn nhau và liên lạc thường xuyên. Ngoài các “trợ thủ” Internet, điện thoại và tin nhắn, họ cũng thường tranh thủ thời gian gặp nhau.

 

 

Yêu nhau chẳng ngại đường xa - 2

 

…đến  những cặp đã kết hôn

 

Trước đây, hai người phải cách xa thường là do chồng đi công tác. Sự nghiệp của người đàn ông được coi trọng trong khi phụ nữ chưa có mấy vai trò trong xã hội.

 

Ngày nay, người vợ đã trở thành tác nhân thứ hai của cuộc sống “anh ở đầu sông em cuối sông”. Nguyên nhân là từ sự tiến triển của toàn cầu hóa, người phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong xã hội.

 

Nghề nghiệp đôi lúc gây sức ép cho họ khi được yêu cầu phải xa nhà. Thường thì đàn ông không thích thú gì điều này, vì vậy nhiều lúc người phụ nữ phải từ chối công việc để làm vừa lòng đức ông chồng.

 

Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả đàn ông đều thích kiểm soát. Miho Taguma, 36 tuổi, người Nhật Bản, theo chồng sang Pháp do công ty của chồng cô điều động anh sang đó.

 

2 năm sau, chồng cô kết thúc công việc và phải trở về nước. Cô thực sự gặp khó khăn khi đã xây dựng được một sự nghiệp đàng hoàng bên này.

 

“Khi tôi nói với chồng rằng tôi đang suy nghĩ đến việc quay trở lại Nhật Bản cùng anh ấy, anh ấy nói tôi thiển cận quá,” Taguma nói.

 

Chính người chồng của Taguma đã thúc giục cô ở lại gắn bó với sự nghiệp. Và giờ Taguma là nhà phân tích nghiên cứu cho Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế tại Paris.

 

“Anh ấy thuyết phục tôi rằng công việc của tôi tại tổ chức này sẽ giúp tôi có được những “kỹ năng di động”, nhờ đó sau này chúng tôi sẽ được sống cùng nhau.” Taguma hạnh phúc nói.

 

Đôi khi có hai căn nhà lại là một lựa chọn kinh tế. Tất nhiên còn phụ thuộc vị trí hai căn nhà đó ở đâu:

 

Jeremy Walker, phóng viên thể thao tự do, 46 tuổi, đang sống tại Saitama, Nhật Bản, kết hôn với Mel, một phụ nữ Philippin anh gặp khi đang làm việc ở Hồng Kông.

 

Hiện giờ vợ anh cùng hai con đang sống tại Manila. Cứ 3 tháng, anh lại nghỉ làm 1 tuần để về thăm gia đình đang ở trong “một căn nhà ba phòng xinh xắn với một hồ bơi, ga ra ôtô rộng rãi, và một khu vườn.”

 

Thu nhập của Walker tại Nhật Bản đã giúp gia đình anh mở một trường dạy lái xe tại Manila với 5 chiếc xe. Hiện gia đình anh đang suy nghĩ đến việc sắm một cơ ngơi khác gần sân golf.

 

“Thực tế là tôi đang kiếm tiền ở Nhật Bản nhưng tiêu tiền ở… Philippin,” Walker nói. “Đó là một thuận lợi lớn khi gia đình tôi ở Manila còn tôi làm việc tại đây.”

 

Walker cho biết điều đáng buồn nhất trong cuộc hôn nhân của anh là phải tạm biệt hai cô con gái. Nhưng anh vẫn muốn duy trì tình hình này thêm một thời gian nữa.

 

Walker cho biết bí quyết lớn nhất để duy trì cuộc hôn nhân xa cách là thường xuyên gặp gỡ gia đình và sắp xếp cuộc sống 2 bên thật hợp lý, dù về mặt địa lý thì cách xa nhau.

 

“Một điều quan trọng nữa là phải trân trọng những nỗ lực của vợ hay chồng bạn để giữ cho mối quan hệ luôn tiếp diễn”.

 

Đó là ý kiến của cô Masae Ueda-Mitsuhashi, 41 tuổi, có chồng luôn phải đi tới những làng quê vùng Trung Đông với vai trò kỹ sư công ty xây dựng nhà máy lọc dầu.

 

“Tôi biết thật khó để anh ấy có thể gửi hoa cho tôi như anh thường làm” - Ueda Mitsuhashi nói. Song cô và chồng vẫn thường dành hàng giờ trò chuyện qua màn hình.

 

“Tôi cũng đã từng sống ở nước ngoài nên biết phải sống ở xứ người nhiều những thách thức như thế nào.

 

Hiểu được và tưởng tượng được những khó khăn mà anh ấy phải vượt qua giúp tôi chống trọi lại sự cô đơn và mong muốn được hỗ trợ cho anh ấy.”

 

Theo ý chuyên gia, rất khó tránh “tình yêu xa cách” khi ngày càng có nhiều người tham gia vào các hoạt động xã hội.

 

Họ cũng cho rằng đây là sự mạo hiểm khá lớn của tình yêu và hôn nhân, bởi nó dễ mang lại xung đột và còn đòi hỏi người trong cuộc hy sinh rất nhiều.

 

Phước Đại

(Tổng hợp)