Yêu “bảo mẫu”

(Dân trí ) - “Anh ăn gì? Cháo tim nhé! Ăn thế cho bổ.” - “Anh thích phở hơn” - “Ăn thế sao đủ chất, ăn cháo tốt hơn”. Chàng trai đành nhượng bộ, chuyển sang món cháo cho vừa lòng người yêu. Đó là những người trót yêu nhầm…bảo mẫu.

Tình yêu của…mẹ

 

Thùy Hương, một nhân viên văn phòng của Công ty Truyền thông X., đã có người yêu ba năm nay. Kể từ khi yêu, Hương tự biến mình thành…bảo mẫu.

 

Cô lo cho anh từ giấc ngủ tới bữa ăn. Hôm nào bận, không đến nấu cơm được, cô …chỉ đạo từ xa qua điện thoại.

 

Điệp khúc Hương hay dùng nhất là “anh nên, anh phải, như thế này mới tốt”. Cô thường lý luận: “Đàn ông đại khái lắm, mình không lo được thì họ cũng mặc kệ luôn.”

 

Mỗi ngày, trước khi đi làm, Hương đi chợ. Sau đó tạt qua nhà người yêu, dặn anh chế biến thế này, nấu thế kia. Nhưng thường buổi trưa, cô tranh thủ về, tự tay nấu cho anh ăn để “đảm bảo dinh dưỡng”. Sau đó, cô bắt người yêu đi ngủ đúng giờ cho “đảm bảo sức khỏe”.

 

Hôm nào chàng đi sinh nhật hay đi chơi với bạn mà mình không thể theo cùng là Hương lo lắm. Cô gọi đến vài cuộc điện thoại nhắc nhở “anh uống ít rượu thôi, phải về trước 10h đấy. Ngủ muộn là không tốt…”.

 

Tay hòm chìa khóa

 

Không chăm sóc người yêu theo kiểu “nâng trứng hứng hoa” như Hương, Hằng có kiểu quan tâm khác. Theo cô, cứ giữ chặt ví là… yên tâm nhất.

 

“Quán triệt” tinh thần trên, nên dù mới yêu thôi mà Hằng đã quản lý tài chính của Hùng - tên chàng - rất chặt.

 

Biết con trai có người yêu tháo vát, mẹ Hùng rất tin tưởng. Thay vì gửi tiền cho con hàng tháng, bà gửi “viện trợ” qua Hằng kèm lời gửi gắm “cháu đừng cho nó hoang phí”. Thế là đương nhiên, Hùng có thêm một người quản lý.

 

Công bằng mà nói, Hằng không để Hùng thiếu thốn thứ gì, chỉ cần khăn mặt của chàng hơi ngả màu hoặc áo sơ mi hơi sờn thôi là Hằng đã nhanh nhẩu đi mua đồ mới.

 

Hàng tuần, sau khi cân đối tài chính của Hùng, cô vẫn đưa cho anh một khoản tiêu vặt đủ để bù khú bạn bè. Thậm chí hàng tháng cô còn báo cáo tài chính cho người yêu và mẹ người yêu được rõ.

 

“Vệ sĩ”

 

Nhiều chàng trai than thở, đôi khi các cô gái làm họ có cảm giác là những đứa trẻ lớn xác, không tự chăm sóc được bản thân. Như Lan Anh chẳng hạn, cô lo lắng cho người yêu đến mất ăn, mất ngủ.

 

Cô đăng ký cho người yêu đi tập thể hình, “áp tải” chàng tới chỗ tập, về nhà, chỉ sợ chàng lười mà bỏ tập. Rồi mỗi khi chàng chuẩn bị đi công tác, dẫu xa hay gần, cô lại líu ríu với thuốc becberin, khăn mặt, đôi dép đi trong nhà, hay cái kim, sợi chỉ.

 

Anh có “lỡ dại” mà bảo “không cần đâu, khách sạn có hết mà em” là thế nào cô cũng dỗi. Sau đó bắt đầu một “bài giảng” về vệ sinh cá nhân.

 

Ngày nào anh không gọi cho cô ít nhất hai lần là cô thắc thỏm không yên, tìm cách liên lạc cho tới khi nào nghe được giọng anh mới thôi.

 

Hãy để anh được chiều em

 

Đó là lời khẩn cầu của nhiều chàng trai. Trong khi các cô cứ đinh ninh rằng “mình chăm sóc chu đáo thế, các chàng chẳng sướng mê tơi” thì nhiều chàng tỏ ra khó chịu.

 

Chăm sóc thái quá đôi khi gây ra những phiền toái mà cánh đàn ông không bao giờ thích. Đã có những đôi chỉ vì chàng “được” nàng chăm sóc quá mà phải chia tay.

 

Như đôi Lan Anh, sau một thời gian sung sướng tận hưởng sự yêu chiều, bạn trai cô bắt đầu “ý kiến”. Đôi khi anh có cảm giác sự săn sóc ấy biến mình thành kẻ vụng về. Thỉnh thoảng họ cãi cọ vì anh không muốn bị giám sát qua điện thoại.

 

Mặc mọi lời giải thích của Lan Anh, cuối cùng họ đã không thể thay đổi được suy nghĩ và chấp nhận nhau. Chia tay là kết cục buồn không thể tránh.

 

Trở lại với câu chuyện của Hằng và Hùng. Hằng cứ đinh ninh mình chăm sóc người yêu chu đáo thế, lại “tâm lý” đưa chàng một khoản tiêu vặt xông xênh thế thì chàng chẳng còn gì để phàn nàn.

 

Nhưng cô không lường trước những rắc rối sớm xảy ra khi hai người ràng buộc nhau về tài chính. Thấy Hùng lúc nào cũng trong tình trạng “thủng ví”, Hằng rất xót ruột. Cô thường xuyên “ca cẩm” sự tiêu pha không tính toán của Hùng.

 

Hùng cũng khó chịu khi bị người yêu quản lý quá chặt tay. “Mình mua tặng cô ấy bó hoa, cô ấy cũng căn vặn giá cả rồi than thở đắt - rẻ, còn gì là lãng mạn. Dã man hơn, bạn mình còn “chua” rằng mình là con trai của cô ấy…”

 

Những mâu thuẫn tế nhị ấy đã khiến quan hệ của hai người có vết gợn. Vội vã đốt cháy giai đoạn, sớm đánh mất sự lãng mạn của tình yêu, không biết rồi mai đây, tình yêu của họ có đi đến bến bờ hạnh phúc?

 

Thay lời kết

 

Khi yêu, người ta có nhu cầu cho và nhận sự quan tâm chăm sóc. Thế nhưng, nhiều cô gái đã vô tình quên, không để các chàng có cơ hội chăm sóc mình. Họ giành thế chủ động.

 

Tự biến mình thành “bảo mẫu” hoặc người quản lý riêng là bi kịch không ít cô mắc phải, đến lúc có hối cũng không kịp nữa rồi.

 

Phương Minh