Xung đột vì một lời nói

“Tao đâu ngờ nhà anh ấy nghèo thế. Gạo tới bữa mới vét tiền đi mua, nước tương mỗi lần ăn mua có 200 đồng...", đang say sưa “buôn” với bạn về quê chồng, chị Hoa không hề biết anh Hoàng đứng ngay sau lưng đang tím mặt vì giận.

Anh Hoàng (đang làm báo ở TPHCM) đùng đùng bảo vợ: "Nếu cô chê quê chồng thì đừng bao giờ về nữa, nhà tôi không cần thứ con dâu này". Anh còn kết thêm cho vợ cái tội không thể tha thứ được là nói xấu nhà chồng với người ngoài.

 

Sau thời gian dài hết lời xin lỗi, làm lành vẫn không khiến chồng nguôi ngoai, Hoa đâm ra bất cần, và tuyên chiến ngược lại bằng cách xách giỏ về quê thăm cha mẹ đẻ một mình vì: “Anh không muốn tôi về quê anh, thì tôi cũng chẳng cần anh về thăm cha mẹ tôi”.

 

Mai cũng suýt làm tan nát gia đình chỉ vì cố chấp với chồng. Một lần, chồng cô đi uống bia về rất khuya. Cả buổi chờ cơm, vừa mệt mỏi, vừa lo lắng, lại đói bụng rã rời. Nhưng chồng về, chẳng nói chẳng rằng, nằm vật ra giường khiến cô vợ trẻ điên tiết quẳng hết thức ăn vào sọt rác, oà khóc. Anh chồng chỉ vỗ vỗ vai vợ mấy cái: “Anh mệt lắm, để yên cho anh ngủ!”.

 

Mai càng bực tức, cô gào khóc, kể lể, đập chăn gối ầm ĩ. Đột ngột, chồng cô ngồi dậy, lờ đờ nhìn vợ: “Cô có im đi không? Cô được như bây giờ là nhờ ai, mà bảo để cho chồng ngủ cũng không chịu nữa?”. Nói rồi, anh vác chăn màn ra phòng khách nằm, bỏ mặc vợ vật vã suốt đêm vì giận và tủi thân. Sau đó, mặc dù chồng đã xin lỗi nhưng Mai vẫn lạnh lùng tuyên bố: “Tôi sẽ không bao giờ quên sự xúc phạm này”.

 

Có lẽ Mai sẽ tiếp tục làm mặt lạnh với chồng, nếu cô không được một đồng nghiệp là giảng viên khoa Tâm lý học tư vấn rằng chính sự “thù dai” đã đầu độc cuộc sống gia đình, đẩy chồng ra xa. May mà anh vốn yêu vợ và có lối sống nghiêm túc nên đến giờ “tổ ấm” mới chỉ nguội lạnh chứ chưa đổ vỡ.

 

Đừng “già néo đứt dây”

 

Trong cuộc sống vợ chồng, lúc say, ghen, quá mệt mỏi hay khi cãi vã căng thẳng, thất vọng về vợ hoặc chồng... người ta dễ buột miệng thốt lên những điều gây xúc phạm mà bình thường họ chẳng bao giờ nói. Hậu quả là khiến “đối phương” tự ái, lầm lì, lạnh lùng... Tuy nhiên, nếu cơn tự ái kéo dài quá lâu, nó có thể gây tác dụng ngược, tạo ra chiến tranh lạnh thực sự.

 

Việc hàn gắn vết thương do những câu “lỡ lời” gây ra cần sự hợp tác và thiện chí của cả hai. Người bị xúc phạm nên thổ lộ cho bạn đời biết câu nói ấy đã làm mình tổn thương, đau khổ như thế nào. Người “phạm lỗi” cần tỏ rõ sự áy náy, ân hận của mình. Sự tha thứ sẽ làm cho bầu không khí gia đình đầm ấm trở lại.

 

Cùng với tha thứ, bạn phải học cách quên đi vết thương. Nếu chỉ tha thứ mà không quên đi, bạn sẽ mãi mãi bị ám ảnh, và rất dễ kích động mỗi khi giữa hai vợ chồng xảy ra xung đột mới.

 

 Theo Thanh Niên