Vợ muốn về ăn tết với bố mẹ, chồng kiên quyết không cho còn giang tay tát vợ
(Dân trí) - Phụ nữ ngày xưa luôn phải thuộc lòng câu “Tam tòng tứ đức”, đã lấy chồng thì sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng, dù bị đối xử tệ bạc, dù khổ sở khốn cùng. Phụ nữ thời nay khác rồi, chị hãy mạnh mẽ lên, đừng bị cái tư tưởng cổ hủ của người khác đè nặng.
Những gia đình như gia đình chồng chị, những ông chồng như chồng chị thời nay chắc không còn nhiều, nhưng rõ ràng là vẫn có. Trong thâm tâm họ vẫn coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ. Họ gia trưởng, bảo thủ, ích kỉ, vô tình. Họ chỉ biết nghĩ cho mình mà không hề muốn đặt mình vào vị trí của người khác.
Ngày xưa mẹ chị vì sức khỏe yếu nên bố chị không cho mẹ chị sinh thêm dù nhà ít con và chưa có con trai. Ở thời bố chị mà tư tưởng của ông đã tiến bộ như vậy rồi. Ông coi trọng tính mạng vợ mình hơn là thằng con trai nối dõi. Ông hài lòng với hai cô con gái và chăm sóc nuôi dạy hai chị em chị khôn lớn thành người. Ước mong của bố chị có lẽ cũng chỉ là mong con gái mình có thể làm chủ đời mình, là được sống vui vẻ hạnh phúc chứ không phải bị người ta chèn ép.
Chị được học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định chứ không phụ thuộc ai. Chị lấy chồng là để gây dựng thêm một gia đình mới chứ không phải để cung phụng nhà chồng rồi lơ là bất hiếu với người đã sinh ra mình.
5 năm chị lấy chồng, 5 năm chị không về tết. 5 năm gia đình chồng chị có thêm người chăm lo cũng là ngần ấy năm bố mẹ chị thui thủi xa vắng nhớ thương con. Họ chưa từng đòi hỏi hay trách móc điều gì. Họ cũng không mong chờ con gái con rể mình thế này thế nọ. Ước mong của họ là chị hạnh phúc, là được gia đình chồng thương yêu. Nhưng cuối cùng chồng chị, gia đình anh ấy đã đối xử với chị như thế nào? Có đáng với sự tận tâm của chị hay không? Có đáng với sự gửi gắm của bố mẹ chị hay không?
Bố mẹ chị già rồi, không biết được mùa xuân nào là mùa xuân cuối cùng. Tết nay chị không về thì tết năm sau có thể về cũng không còn gặp nữa. Bố mẹ chị mong chị tết này, còn về sau có khi chẳng còn để mà mong ngóng nữa.
Theo tôi, trước khi về nhà ngoại ăn tết chị nên về nhà chồng trước, cần mua sắm gì thì mua hay biếu tiền bố mẹ chồng sắm tết. Rồi sau đó rõ ràng trình bày với họ về sức khỏe của bố mình, về nguyện vọng của chị. Nếu họ đồng ý thì vui vẻ cảm ơn mà lên đường. Nếu họ có khó chịu không hài lòng thì cũng cứ dứt khoát mà đi. Cũng đừng quên nói với chồng hi vọng anh có thể thu xếp ra năm vào thăm bố mẹ vợ. Sau đó anh ta có đi không thì tùy. Chị làm dâu, luôn trọn đạo với nhà chồng, chị không có gì phải hổ thẹn. Đừng sợ bố mẹ chồng, cũng đừng sợ chồng. Người ta chỉ sợ cái đúng chứ không sợ cái sai.
Nếu sau việc này mà gia đình chồng chị ý kiến thái độ này nọ hay chồng chị đối xử với chị chẳng ra sao thì chị cũng nên nghĩ đến tương lai cả cuộc đời dài rộng sau này mà tìm cho mình con đường nào dễ đi nhất. Với phụ nữ, gia đình rất quan trọng nhưng không phải vì thế mà phải nín nhịn cam chịu bằng mọi giá để giữ gìn.
Hãy mạnh mẽ và dứt khoát lên chị ạ. Cuộc đời chúng ta, có những khi chỉ cần một lần do dự cũng có thể khiến cả cuộc đời phải ân hận nuối tiếc. Hãy trở về nhà, thắp lên nụ cười trên môi bố mẹ, tự tay nấu cho bố mẹ mình những bữa cơm ấm cúng. Cùng họ đón giao thừa, đón năm mới trong ấm áp sum vầy, hân hoan. Hãy quên những con người ích kỉ ấy đi. Nếu họ không thể cho đi thì chẳng có tư cách gì mong đón nhận lại.
Phản hồi của độc giả Hằng Hà
Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn. Trân trọng!