Vàng độc

(Dân trí) - Bà Tư mới nghỉ hưu cách đây 1 năm mà ở nhà thấy chồn chân quá. Đầu đã hai thứ tóc nhưng sức bà còn khỏe chán, ở nhà chẳng có việc gì làm, như người thừa thãi chân tay, lại thiếu đồng ra đồng vào.

Đứa con gái đã đi lấy chồng mới đây giận dỗi nhà chồng ôm con về nhà đẻ “ám”. Bà phân tích, “đuổi” thế nào nó cũng không đi. Âu cũng là bên thông gia quá đáng quá, nên con bé nhất quyết không chịu về, “mẹ đánh chết con con cũng không về. Con không có lỗi, sao lại bắt con xin lỗi”. Bà thở dài thườn thượt, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Ở đời, con dại cái mang. Bà đành để nó tá túc ở nhà, một mặt tìm cách khuyên thằng rể sang mà đón vợ.

Ngặt một nỗi, nhà ông mất sớm, chỉ có mình bà. Nay bà đã nghỉ hưu, lương hưu chẳng được mấy đồng, chỉ đủ nuôi miệng. Giờ con gái ôm cháu ngoại về, dẫu nó có nghề dệt may lương cũng ba cọc. Thế là bà nghĩ cách xoay xở, bà còn khỏe, sức vóc vẫn còn, thôi thì nhờ người ta tìm mối cho đi làm giúp việc.


Vàng độc



Cái số bà thế mà may, vừa đánh tiếng tìm việc đã tìm ngay được một chỗ. Cũng là cái thời buổi này, người ta cần tìm giúp việc gia đình quá, báo chí cứ gọi nó là cái nghề “hót” với chả “hát” đấy còn gì. Cho nên bà muốn đi làm, có chỗ làm ngay.

Gia đình nhà chủ chỉ có đôi vợ chồng trẻ với hai đứa con, đứa lớn đã học mẫu giáo, đứa nhỏ mới sinh được vài tháng. Chị vợ đến lúc phải quay lại đi làm, cần tìm người đến đỡ đần cơm nước. Người ta ưng bà vì gốc gác rõ ràng, lại người nhà nước về hưu, cơm nước, việc nhà bà thạo cả. Thế là bà có việc, có thu nhập đôi ba triệu mỗi tháng, bà phấn khởi hẳn lên. Phen này con Cún cũng được bà ngoại rủng rẻng mua cho đồng quà tấm bánh. Bà nghĩ cả đến cảnh chủ nhật dắt nó đi nhà sách thiếu nhi, đi khu vui chơi trẻ em nữa, vì bà “đi làm” vẫn như người nhà nước, theo giờ hành chính, lại được nghỉ cuối tuần.

Công việc của bà vô cùng thuận lợi. Nhà chủ trẻ tuổi nên dễ tính, lại người có học nên đối xử với bà bằng thái độ tôn trọng, tế nhị hết mức, không để bà có cảm giác mình là người giúp việc. Ngày ngày cơm nước, dọn dẹp nhà cửa cho họ bà cũng thấy vui, cứ như mình là người cô, người bác trong nhà. Có điều, nhìn vẻ hạnh phúc, sung túc của họ, đôi lúc bà thấy chạnh lòng. Vợ chồng trẻ mà đã có cả một dinh cơ. Con cái còn nhỏ mà họ ríu rít như đôi chim câu vậy. Chị vợ đã 2 con nhưng việc nhà không phải lo, có bà làm hết nên nom đến mòn con mắt. Chả bù cho bà, chồng mất sớm, quạnh quẽ đã quen thành bạn thân, hay con gái bà thì lấy chồng chẳng hạnh phúc, ôm con bỏ về nhà mẹ như thế. Thân bà ngần này tuổi đầu vẫn phải tìm kế sinh nhai, nghĩ mà tủi.

Hôm bữa thế nào, lúc quét nhà, bà lại thấy một chiếc khuyên tai lấp lánh rơi dưới nền sàn gỗ. Ngẩng lên tìm quanh, thấy thêm chiếc nữa ẩn dưới cái nép gỗ góc tường. Chắc chị chủ nhà đeo hôm đi tiếp khách, đến khi về thằng cu bện mẹ quá, mẹ mải ôm con ngủ quên tháo ra cất đây mà. Gớm cái đôi hoa tai đến đẹp đẹp là. Thanh mảnh, sáng choang mà gắn đá lấp la lấp lánh. Con Cún nhà bà xâu lỗ tai từ bé mà chả có lấy chiếc tòng teng tử tế mà đeo. Cái đôi hoa này lên tai nó chắc là xinh lắm. Chị chủ có không biết bao nhiêu là đồ trang sức, mất đôi này cũng chả biết. Đấy, rơi dưới đất mấy ngày có để ý đâu. Phút chốc thế nào, bà lại cất gọn đôi hoa tai vào túi...

Con gái bà gọi điện cho mẹ giữa lúc bà đang đi làm, khóc nức khóc nở. Rằng con Cún hôm qua được bà đeo cho đôi hoa tai, hôm nay trên đường đi học bị mấy thằng lưu manh rình giật đứt cả tai, máu chảy be bét. Hai mẹ con còn bị ngã xe vì bất ngờ, hoảng loạn, người ngợm xây xướt. Con Cún vừa đau vừa sợ đang khóc không nín được trong bệnh viện. Bà rối cả lên, một mực xin chủ cho nghỉ sớm để về. Bà biết đâu rằng, đôi hoa tai đá lấp lánh ấy là vàng với kim cương, mà vàng thì độc địa và xui xẻo lắm, nhất là khi nó không phải của mình. 

H.A