Tùy vợ

Đặng Thị Thu Hường

(Dân trí) - Từ việc nhỏ đến việc lớn, khi chị bàn với anh, lúc nào anh cũng chỉ nói qua loa rồi cuối cùng là “tùy vợ”. Nhiều lần chị buồn lắm, tủi thân nữa, cảm thấy sao mình chẳng giống phụ nữ chút nào...

Tùy vợ - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Anh chị cưới nhau khi cả hai vừa mới ra trường đi làm được hai năm. Anh là công chức nhà nước, chị đi làm cho doanh nghiệp ngoài. Cuộc sống tuy chưa gọi là khá giả nhưng cũng có chút của ăn của để, dành dụm phòng khi có việc.

Chồng chị rất yêu thương vợ con, không chơi bời, cờ bạc rượu chè. Nhưng chỉ có một điều khiến chị nhiều lúc rất buồn: Là chồng chị từ bé được bố mẹ nuông chiều nên chỉ biết học, không bao giờ phải động tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Thế nên khi lấy vợ, một phần chị lại sắc sảo nên mọi việc trong nhà cứ tự nhiên là do mình chị quyết định.

Từ việc nhỏ đến việc lớn, khi chị bàn với anh, lúc nào anh cũng chỉ nói qua loa rồi cuối cùng là “tùy vợ”. Nhiều lần chị buồn lắm, tủi thân nữa, cảm thấy sao mình chẳng giống phụ nữ chút nào, việc gì cũng đến tay chẳng thể dựa dẫm vào anh.

Rồi biến cố xảy đến với gia đình bên nhà chị. Chị có 3 anh trai. Anh trai trưởng là người hoạt bát, một thời làm ăn khấm khá nhưng bỗng chốc phá sản do làm ăn thua lỗ. Anh hai và anh ba thì ai cũng chỉ đủ ăn, nhưng vì muốn giúp anh lớn nên ai cũng chạy vạy chỗ này chỗ kia, mỗi người đều vay hộ anh cả ít vốn. Bây giờ khi anh cả phá sản phải bán hết tài sản còn lại để trả nợ, cũng là lúc kéo theo cả nhà lao đao. Hai đứa con nhà anh cả, một đứa gửi về ngoại, một đứa gửi chị nuôi. Còn vợ chồng anh cả đi ở trọ, tay trắng làm lại từ đầu. Mọi vật dụng tối thiểu cần có, chị đều phải sắm sửa cho anh chị.

Năm nay có mấy đứa cháu vào đại học, trường thì xa nhà, bố mẹ muốn mua cho các cháu cái xe máy để đi học mà nhìn nhau bất lực vì trong nhà chả có đồng nào, lương chỉ đủ ăn, giờ còn đang gánh thêm nợ cho anh cả, vợ chồng anh hai, anh ba còn quay ra cãi cọ trách móc nhau. Chị buồn lắm, chị tuy gọi là khấm khá nhất trong nhà nhưng cũng chẳng phải giầu có gì, chỉ là thu nhập hàng tháng có chút dành dụm…

Kể từ ngày xảy ra chuyện, chẳng bữa nào chị ăn ngon ngủ yên. Muốn giúp gia đình nhưng lại cảm thấy áy náy với chồng. Có chút ít vốn phòng thân, giờ lo hết cho gia đình mình, chị lo nhỡ lúc có việc gì cần đến, chị biết xoay sở làm sao? Nhưng ở vào hoàn cảnh này, chị chẳng còn lựa chọn nào khác.

Khi chị bàn với chồng rút hết sổ tiết kiệm, cho hai cháu con nhà anh hai, anh ba, mỗi cháu một phần tiền thêm vào mua xe máy trả góp cho cháu đi học, rồi giúp đỡ thêm các anh đôi chút trả bớt nợ và một chút vốn nhỏ cho vợ chồng anh cả buôn bán làm ăn. Anh ôm chị vào lòng, vẫn câu nói quen thuộc “tùy vợ, vợ cứ làm điều gì tốt nhất có thể cho gia đình”.

Lúc này nghe đến câu ấy, chị lại một lần nữa khóc nghẹn, chẳng phải buồn giận tủi thân như trước mà lần này là những giọt nước mắt hàm ơn, cảm động. Nhờ có anh luôn hiểu, yêu thương vợ, coi trọng gia đình vợ mà chị có thể toàn tâm toàn ý giúp đỡ các anh chị mình trong lúc khó khăn.

Cuộc đời này chẳng ai luôn có được mọi thứ. Ông trời rất công bằng, lấy đi của ai cái gì, sẽ bù đắp lại cho họ một thứ khác. Chồng chị tuy xưa nay luôn dựa dẫm vào vợ trong mọi việc, nhưng đổi lại, có tấm lòng bao dung, yêu vợ, biết chia sẻ cảm thông với những gánh nặng gia đình trên vai vợ. Tuy chẳng nói ra nhưng chỉ cần vợ vui vẻ, vợ thoải mái, anh chẳng tiếc điều gì.

Trước đây mỗi lần nghe câu “tùy vợ” chị lại thầm trách chồng vô tâm, ỷ lại, nhưng lúc này, đứng trước những biến cố của gia đình, cũng câu “tùy vợ” nhẹ nhàng thế thôi đã san sẻ bớt gánh nặng đè nén trong tâm chị.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm