Tự sự gái một con

(Dân trí) - Hôm nọ chồng trêu: “Mẹ cu rõ ra dáng gái một con” rồi hạ giọng lẩm bẩm “nom mù con mắt”. Dù nói nhỏ nhưng mình vẫn nghe thấy, thế là ấm ức, hậm hực như có con “chim cú” đậu trên đầu thằng “Acay”.

 
Tự sự gái một con - 1


Đôi khi giữa đám đông nghe chồng khen dù là xã giao, vợ của ông bạn nào đó giỏi giang, đảm đang, việc nước việc nhà vẹn toàn, mình lại chạnh lòng nhìn lại.

 

Cảnh đứa bạn gửi con cho ông bà nội, ngoại ở quê rồi cứ thế hai vợ chồng dạo phố phường mua sắm, chụp ảnh cho nhau khiến mình trăn trở. Ngẫm lại thấy tội mình quá, tủi quá, cùng là gái một con mà sao “chúng nó” nhàn nhã, xinh xắn đáng yêu thế, mình thì có người thương tình, động viên: “xấu con thơ, dơ bà chửa mà”.

 

Lần bọn bạn rủ mình đi học lên, mình bàn lùi, con còn bé để lui vài năm cho đỡ nhếch nhác. Ngờ đâu, chỉ sau một, hai năm khí thế chẳng còn như xưa, để rồi đứa đầu lơn lớn lại rục rịch sinh đứa thứ hai cho xong nhiệm vụ. Thời gian vùn vụt trôi, đôi khi chợt giật mình nhìn lại, ta tự an phận từ lúc nào?

 

Con bạn khoe ảnh đi “phượt” thư giãn cùng chồng, mình thoáng chẹp miệng: “Quẳng con khóc lóc ở nhà để lang thang chơi bời, thế mà cũng đòi làm mẹ”.

 

Mình còn trách đứa em họ sao cai sữa con sớm thế, mới mười bốn tháng, tội nghiệp. Bé nhà mình nhất quyết để tuổi rưỡi, hai tuổi mới cai.

 

Lại có lần mình phê phán cô đồng nghiệp khi nỡ gửi con tuổi rưỡi ở quê để đi du lịch cùng công ty một tuần: “Phải luôn đồng hành cùng con, dù có thế nào tình cảm của ông bà cũng không thể thay thế bố mẹ được, đi chơi còn nhiều dịp chứ tuổi thơ của con có bao giờ quay trở lại?”.

 

Để cũng đến lúc mình tỉnh ngộ khi cứ quan trọng hóa vấn đề, đi một tuần có là bao, mà con và mẹ đều có dịp thay đổi không khí, ông bà có cháu càng vui, nào ảnh hưởng đến ai?

 

Ai mà khiến thiên hạ “mòn con mắt” thì cũng đáng khâm phục đấy chứ, vì quan trọng là họ biết yêu bản thân.

 

Được hôm hiếm hoi con ngủ sớm, hai vợ chồng đi dạo mà đã ngỡ như cuộc đời đang nở hoa choe choét. Mình bỗng nhớ lại hôm phải làm thêm giờ, hớt hải mặc cả đồng phục về vì sợ con khóc quấy, đói khát và nhớ mẹ. Về thấy nó đang toe toét chơi với bà, mẹ giơ tay ra bế, nó còn mải nhìn theo hình con chim bà gập, mãi mới theo. Tự dưng thấy những lo lắng của mình thật... hâm hấp.

 

Lần bà phải về quê, mình thì chẳng thể giải quyết hết việc với sáu ngày trong tuần, thế là đi làm thêm Chủ Nhật, rụt rè và cũng đánh liều giao con ở nhà chồng trông. Hồi hộp mãi không dám gọi điện về hỏi han vì sợ chồng đang mải “đánh vật” với con lại cáu gắt, quát cho thì dại mặt.

 

Chiều về thấy quần áo bẩn ban sáng của con phơi gọn ghẽ trên dây, “hiện trường” chứng tỏ con đã được tắm giặt, uống sữa no, nom sạch sẽ. Tính cảm ơn bác hàng xóm đã tắm cho nó thì… “Không! Bố cu tắm cho con đấy chứ”.

 

Ngạc nhiên đi vào thấy bố con nhà nó đang đùa nhau cười khanh khách, nghĩ cảnh mình tưởng tượng bố con nó sẽ toát mồ hôi với nhau, mình về bố nó sẽ gườm gườm, lườm nguýt nhặng xị quát tháo, đá thúng đụng nia vì bị vợ dí cho cái “gông”…. mình lại phì cười.

Cái tính lo xa với trầm trọng hóa vấn đề đã biến mình thành bà mẹ một con như thế. Cứ vơ hết việc vào mình rồi lại kêu không có thời gian, than gái một con mà khổ sở quá!

 

Xuất hiện kiểu tóc nào đẹp và mới cũng tự hứa khi nào cai sữa cho con, khi nào con lớn thì làm đẹp sau, kẻo không tốt cho con. Nhìn bộ cánh, bộ đầm long lanh cũng đành ngoảnh mặt vì sợ sau này còn gầy đi, chả mặc được.

 

Rốt cuộc quanh đi quẩn lại vẫn bộ quần áo ấy, đến công ty mặc đồng phục, về thì dính lấy con, chả có lúc nào tô điểm. Suốt năm trung thành với kiểu đầu tém cho gọn, gội nhanh khô, sáng ra chỉ cần chải vài cái là xong...

 

Những hi sinh cho con mình chẳng tiếc, chỉ hơi trách mình đã quá ôm đồm và khắt khe với bản thân.

 

Yêu con đâu nhất thiết phải lúc nào cũng bên nó, cũng phải để cho con tiếp xúc, kết thân và chơi với nhiều người khác. Phụ nữ không nên ích kỷ, cần biết hi sinh nhưng cũng phải biết nghĩ, biết chăm sóc mình, kẻo có ngày chẳng còn gì để mà hi sinh.

 

TSL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm