Trung thu năm nao

(Dân trí) - Mua cho cô con gái nhỏ một chiếc đèn lồng phát nhạc để chuẩn bị cho trung thu sắp tới, lại chạnh lòng nhớ đến những năm nao…

 

Trung thu năm nao - 1

Cứ cách rằm tháng Tám độ vài tuần là anh trai lại mua đủ những tấm giấy màu xanh, hồng, chuẩn bị sẵn nan tre để làm đèn ông sao. Giấy màu ngày ấy là những tấm to, được gập lại vuông vức. Giấy mỏng, nhám xịt, không phẳng phiu, bóng bẩy, sặc sỡ được như bây giờ.

Anh trai hì hục cắt, dán, dùng nhựa cây sung hoặc cơm nguội, sau này mới có thêm hồ dán (loại hồ màu trắng dẻo đựng trong những chiếc lọ nhỏ tròn màu đen xám, đặc quánh và phải dùng tay để phết), để kết nối những mảnh giấy đã được đo, cắt trước đó lại với nhau cho thành hình chiếc đèn năm cánh “huyền thoại”.

Đèn ông sao thủ công của anh trai luôn to và đẹp nhất cả xóm, nổi bật nhất trong cái hàng dài đoàn quân đi rước đèn ấy. Hai chị em thường được anh trao nhiệm vụ cầm đèn đi rước, nhớ những lúc lỡ lạc nhau, chỉ cần giơ cao chiếc đèn đầy khác biệt ấy lên, là sẽ tìm thấy nhau.

Tôi cũng nhớ cái sự háo hức đợi đến trung thu của những đứa trẻ trong làng, còn cách cả tháng mới đến ngày vui mà đã hội hè bàn bạc nhau từ trước. Đứa này đứa kia tranh nhau thao thao bất tuyệt kể về những kỷ niệm của mình, và hứa hẹn năm nay sẽ chơi trung thu hoành tráng ra sao. Tất cả đều chung cảm xúc đợi chờ, mong ngóng và cầu cho ngày rằm đừng mưa.

Có vẻ như ông trời nghe thấu lời nguyện cầu của lũ trẻ, nên trung thu chẳng mấy khi làm mưa. Trăng mười lăm tròn, sáng vằng vặc, soi rọi cả đoàn quân dài trùng điệp. Quê tôi khi ấy chẳng có múa lân, chỉ biết đến rước đèn và chia kẹo thôi, nhưng cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Thiếu nhi trong làng rước đèn ngày ấy có khi dài đến cả gần cây số, từng tốp cứ nối đuôi nhau đi vòng quanh những con đường quen thuộc, vừa đi vừa ríu ra ríu rít trò chuyện.

Lâu lâu có quản ca cất lên bài hát nào đấy, cả đội lại cùng nhau hát hò vang trời. Những bài hát cứ truyền miệng nhau, không phải cố học mà trẻ con đứa nào cũng thuộc làu làu, đợi dịp là ngân nga.

Đám trẻ con vừa thi nhau hát, vừa hãnh diện giơ chiếc đèn của mình lên cao, hòa vào dòng người. Đèn khi ấy phần nhiều vẫn là đèn năm cánh làm bằng giấy kiếng màu đỏ, xanh và nan tre, rồi có thêm đèn bằng ống bơ cũ, hay đèn lồng giấy được những đứa trẻ nhà khó khăn hơn tự chế. Miễn có đèn là được, tự làm hay được bố mẹ mua cho, đều thần kỳ như nhau. Vài ba đứa rước đèn chưa xong, không cẩn thận cầm nghiêng, khiến nến cắm phía trong lẹm vào giấy, đèn cháy, mếu máo đến là thương.

Đoàn rước đèn đi đến đâu cũng được người lớn đứng bên cạnh đường chờ đón, có đôi ba bậc phụ huynh vui chí còn nhập hội theo chung. Ước chừng đến giờ, cả đội quân lại kéo nhau về sân trước của Ủy ban xã để đón trận mưa kẹo từ đoàn thanh niên. Nhận kẹo từ xã, rồi lại chia nhau rồng rắn về nhà ông xóm trưởng. Cái thời đấy chưa có nhà văn hóa xóm, nên nhà bác xóm trưởng gần như trở thành tụ điểm họp hành của cả làng, là nơi chia kẹo cho các cháu nhân dịp trung thu. Mỗi đứa một nắm kẹo, có khi người lớn chia không đều, mấy đứa còn tị nạnh nhau vì thiên vị nọ kia.

Tuổi thơ khi đó, có kẹo là niềm vui thích tột cùng. Có được nắm kẹo trung thu trong tay, là hạnh phúc lây lan cả mấy ngày sau. Những cảm xúc bình dị như thế, ngày nay đã không còn nữa. Lớn rồi, xa nhà, trung thu dường như chỉ còn là ký ức, là ngày hội của những điều xưa cũ. Nhưng luân thường cuộc đời vốn là thế, nhớ hôm qua nhưng đừng quên vui với ngày hôm nay.

Linh Lam

 

Trung thu năm nao - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm