Triệt tiêu bản lĩnh đàn ông

Tưởng chẳng gì hạnh phúc hơn đối với người đàn ông khi lấy được cô vợ không chỉ giỏi giang, xinh đẹp mà còn đảm đang, quan tâm chăm sóc chồng hết lòng hết dạ. Vậy mà...

 
Triệt tiêu bản lĩnh đàn ông


Không ít ông chồng được vợ cưng chiều lại than khổ, than chán, than mệt, than tù túng. Họ cho rằng, sống với những bà vợ quá chu toàn, quá cẩn thận, lúc nào cũng để ý từng ly, nhắc nhở từng tí… khiến họ thấy mình trở nên bé nhỏ, như bị triệt tiêu bản lĩnh đàn ông. Những người vợ như thế chẳng khác gì những bà mẹ, bà chị, coi chồng như thằng bé to xác. Ngược lại, không ít bà vợ ngạc nhiên một cách thành thật là tại sao mình đã hao tâm tổn sức để chăm lo cho chồng chu đáo đến vậy mà chẳng những không được chồng yêu, lại còn bị trách cứ, nhăn nhó, cáu kỉnh, khó chịu, thậm chí xa lánh… rồi đi “ăn vụng” bên ngoài.

 

Có lần, cô bạn thời đại học buồn bã tâm sự, dạo này không hiểu vì sao ông xã cô ngày càng hay cáu kỉnh, bực dọc vô cớ với vợ. Có khi nhiều hôm liền, ổng chẳng thèm mở miệng, để mặc cô muốn nói gì thì nói. Hay là ổng có ai bên ngoài nên về nhà chán vợ? Cô nhờ tôi khi nào có dịp thì cố gắng tìm hiểu nguyên nhân sự thay đổi của chồng. Thông cảm với cô, tôi tìm gặp đám bạn bè cũ để dò la tin tức. Nhưng hóa ra chẳng có gì. Anh chàng này vốn nhút nhát, đâu dám liều lĩnh ăn vụng! Một hôm, tôi gọi điện, nói muốn gặp anh để có việc cần nhờ. Anh đồng ý ngay. Sau khi giải quyết cái cớ mượn tài liệu chuyên ngành, chúng tôi ngồi tám đủ thứ chuyện linh tinh khác về bè bạn, gia đình, được thể, chàng thổ lộ...

 

Đúng là anh đang chán vợ. Đơn giản vì cái cách vợ coi anh như trẻ con chứ không phải chồng. Vợ chồng bằng tuổi nhau nên hồi mới cưới, anh rất hạnh phúc khi được vợ chiều chuộng nhất mực: Sáng nào cô ấy cũng dậy sớm pha ca phê, vào bếp nấu điểm tâm. Chiều, đi làm về, anh chỉ việc tắm xong là ngồi vào bàn thưởng thức các món ăn ưa thích mà vợ cần mẫn chuẩn bị. Ăn xong, anh gác chân xem tivi, để vợ dọn dẹp chén bát rồi giặt giũ, lau nhà. Buổi sáng, quần áo đi làm của anh được ủi sạch sẽ vắt trên giá, anh chỉ việc mặc vào. Hồi đó, anh rất tự hào với cô vợ đảm của mình. Đúng là các cụ nói không sai: “Lấy vợ bằng tuổi nằm duỗi mà ăn!”.

 

Tuy vậy, chỉ ít ngày là anh chán. Tỉ như chuyện ăn uống. Buổi sáng, anh muốn ra ngoài điểm tâm để đổi món thì vợ không cho vì: “Mất vệ sinh!”. Thực đơn các bữa ăn, với tiêu chí vợ muốn tẩm bổ cho chồng nên hết heo quay lại gà rán, nuốt không nổi. Chuyện đi cà phê cà pháo với bạn cũng bị cấm vì: “Có vợ rồi, không la cà ngoài đường!”. Ngay cả quần áo, giày dép cũng là vợ mua, thích hay không cũng phải dùng, vì như cô ấy giải thích: “Khiếu thẩm mỹ của anh làm sao bằng em được! Chọn đồ như anh, người ta sẽ nói em không biết chăm sóc chồng!”.

 

Rồi anh kết luận: “Cô ấy càng ngày càng giống mẹ mình hơn là vợ!".Ra vậy! Khi nghe tôi “truyền đạt” lại, cô bạn tròn mắt: “Trời ơi! Ông xã mình điên thật rồi! Người ta có yêu mới chiều như thế chứ!”.

 

Theo các chuyên gia tâm lý, những bà vợ “đảm” đến mức chăm sóc chồng như chăm sóc con là sai lầm. Trong bất cứ trường hợp nào, hãy hiểu rằng họ là những người đàn ông chứ không phải là những cậu bé. Điều đó chạm vào tự ái của chồng, ảnh hưởng đến bản lĩnh đàn ông, triệt tiêu niềm kiêu hãnh tự coi mình là trụ cột gia đình của họ. Vì vậy, điều đó không mang lại hạnh phúc cho chồng mà khiến anh ta khó chịu và xa lánh vợ. Không ít trường hợp người chồng đã tìm cách “tìm lại chính mình” ở nơi khác ngoài gia đình.

 

Theo Lê Phương

PNO