“Trai làng ta giữ gái làng ta”

(Dân trí) - Cảnh chàng trai ướt như chuột lột, tơi tả trở về sau chuyến viếng thăm nhà người yêu ở làng bên dường như không còn là lạ. Đó là hậu quả của tư tưởng “Gái làng ta chỉ có… trai làng ta được dùng” vẫn còn khá phổ biến ở nhiều làng quê Việt Nam.

Cô gái mới ngoài hai mươi, trẻ trung, đẹp người, đẹp nết lại có năng khiếu văn nghệ, hát rất hay khiến không ít chàng trai trong làng ngưỡng mộ. Họ đã nhiều lần đánh tiếng nhưng cô gái vẫn im lặng vì đã phải lòng một chàng ở làng bên. Họ thực sự  rất đẹp đôi, chàng khỏe mạnh, hiểu biết, chăm chỉ… nàng thì xinh đẹp, thùy mị hay lam hay làm, đúng mẫu một  nàng dâu truyền thống.

 

Biết chuyện, thanh niên làng Tràng Sơn (nơi gia đình cô gái đang sinh sống), đã ra hẳn một “nghị quyết” cứng rắn: “Thằng người yêu nó mà bén bảng đến làng ta thì phải cho nó đi “tàu ngầm” (tức là dìm xuống ao). Chuyện đến tai đôi trẻ, và từ đó họ chỉ có thể  gặp gỡ nhau ở tận… phố huyện, cách nhà đến hơn 20 cây số.

 

Công việc đồng áng bận rộn cộng thêm quãng đường tới  phố huyện quá xa khiến họ mỗi tháng chỉ có thể gặp nhau một lần, cứ như vợ chồng Ngâu thời hiện đại.

 

Thế rồi vượt qua mọi khó khăn, tình yêu đã đến độ chín, được hai gia đình đồng ý, hai họ tán thành, và đám cưới được ấn định ngày tổ chức.

 

Chú rể ở ngay làng bên và đám cưới được tổ chức khá long trọng, đầy đủ nghi lễ. Ai cũng tưởng phen này hai gia đình đều “được”, bên được dâu hiền, bên được rể thảo. Vậy mà...

 

Cái sự vậy mà ấy bắt đầu từ lễ đón dâu.  Khi đoàn rước dâu của nhà trai bắt đầu bước vào phạm vi của làng cũng là lúc các thanh niên làng thực hiện “nghị quyết” của mình. Họ chuẩn bị kế hoạch khá chu đáo nào gạch, đá, gậy gộc, dao, kiếm…và tấn công đoàn nhà trai quyết liệt.

 

Không chỉ tấn công chú rể và thanh niên, ngay cả các cụ “tiên chỉ”, những người già cả bề trên họ cũng chẳng tha, phương châm “đánh tuốt, đánh cho quên hẳn gái làng Tràng Sơn” được tất cả thực hiện nghiêm túc. Trước sức tấn công như vũ bão của trai Tràng Sơn, cả đoàn nhà gái chạy bán sống bán chết, kết quả là không chỉ thanh niên bị sứt đầu mẻ trán mà ngay cả một số cụ già do “mắt mờ chân chậm” cũng bị đánh cho tơi tả.

 

Và hậu quả đổ hết lên đầu cô dâu và chú rể. Trưởng họ đằng nhà trai và bố chú rể tuyên bố một cách kiên quyết: Không cưới xin gì nữa, từ giờ cạch mặt gái làng Tràng Sơn.

Thế là hạnh phúc của đôi bạn trẻ bị “đánh cắp” chỉ bởi tư tưởng không thể chấp nhận được của một số trai làng.

 

Một câu chuyện khác xảy ra ở ngôi làng Nguyệt Đức. Cô gái đã ngót ngét ba mươi, ở quê mà ở độ tuổi này cũng đã bị xếp vào loại… ế. Cô ế chẳng phải vì sắc đẹp không mặn mà hay tính tình chẳng ra gì. Đơn giản chỉ vì lúc tuổi còn xoan, trai làng “nhòm ngó” thì cô chưa chọn được người vừa ý, lúc đã ngoài hai mươi, cô định tặc lưỡi chấp nhận thì chẳng còn chàng trai nào trong làng để ý đến cô nữa.

 

Ở làng bên, có anh bộ đội xuất ngũ, họ gặp nhau rồi đem lòng thương mến. Thế mà, ngay buổi tối đầu tiên anh sang nhà cô chơi, lúc về đã bị trai làng đã phục đánh. Xe đạp thì bị treo lên ngọn đa đầu làng, người thì sau một hồi đấm, đạp cả hội hò nhau quẳng anh xuống… sông với lời cảnh báo “lần sau mà còn mon men cưa cẩm gái làng sẽ không còn đường về”. Cũng may anh là người bơi giỏi nên đã vượt sông trở về nhà.

 

Có lẽ cũng chẳng muốn mạo hiểm với tính mạng của mình nên từ đó chẳng ai thấy anh sang nhà cô gái nữa. Giờ, mặc dù đã ngoài ba mươi cô gái vẫn ngày ngày cặm cụi với gần mẫu ruộng của gia đình. Hạnh phúc của cuộc đời cô đã tuột khỏi tầm tay chỉ vì đám trai làng ích kỷ.

 

Biết đến bao giờ mới hết cảnh “trai làng ta giữ gái làng ta”!

                                                                                                           

Nguyên Đức