Trả tuổi thơ cho con bằng hát ru, đọc truyện, về quê
Tối nào cũng vậy, dù bận đến đâu chị Hiền cũng dành thời gian hát ru, đọc truyện cho con nghe. Có khi, chỉ 10, 15 phút, nhưng cháu bé đã chìm vào giấc ngủ ngon lành. Với chị, không gì tốt cho con bằng những điều giản dị ấy.
Hạnh phúc được hát ru, kể chuyện cho con
Từ khi có con nhỏ, vợ chồng chị Hiền (Làng Quốc Tế Thăng Long, Hà Nội) có thêm một sở thích chung: Hát ru và kể chuyện cho con nghe mỗi ngày. Chị tâm sự: “Từ khi sinh cháu, tôi đã nựng nịu, hát ru con, dù thực tế tôi hát không hay và cũng không giỏi hát. Chồng tôi rất ủng hộ, nhiều khi anh cũng “tranh thủ” ru con. Còn bé thì thành thói quen, bây giờ đã 5 tuổi, nhưng nhiều lúc thấy mẹ mở ca nhạc trên ti vi bé tỏ ý không thích, bảo “con thích mẹ hát cơ” nghe thật hạnh phúc”.
Cuộc sống với nhiều tiện nghi hiện đại khiến cha mẹ quên bẵng đi là cần dành thời gian cho chúng
Không chỉ hát ru, chị Hiền cũng rèn được thói quen kể chuyện cổ tích hằng đêm cho con trước khi ngủ, hay khi chơi với con. Nhiều lúc, hết “kho” truyện, chị còn ngồi “sáng tác” ra những câu chuyện thú vị chỉ dành riêng cho con mình. Đó là niềm vui mỗi ngày của chị.
“Buồn cười nhất là, có hôm vì quá bận, con cứ luẩn quẩn đi ra, đi vào, hai vợ chồng vô tâm “quên”, là sáng hôm sau cháu cũng nhắc. Trong lúc mặc quần áo cho cháu, cháu dụi đầu vào chân mẹ bảo, hôm qua con buồn mẹ lắm. Tôi hỏi cháu, vì sao, thì cháu thủ thỉ bảo, tại mẹ không kể chuyện cho con nghe”, chị Hiền kể.
Cũng vì những lúc như vậy, anh chị luôn bảo nhau dành thời gian, không để con phải “buồn” vì những điều như thế.
“Dù bây giờ nhịp sống hiện đại có bận rộn thật, có nhiều điều kiện để chăm sóc trẻ thật, nhưng tôi nghĩ vẫn không gì thay thế được cho những câu chuyện, bài hát, và hơn cả là sự quan tâm của cha mẹ. Chỉ cần hiểu được điều này và mỗi người cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của chúng thì vẫn có thể làm được”, chị Hiền khẳng định.
Sự lựa chọn thuộc về cha mẹ
TS Nguyễn Lệ Hằng, GĐ Trung tâm Phát triển trẻ em và kỹ năng sư phạm gia đình cho rằng, trẻ em trong xã hội hiện đại chịu nhiều thiệt thòi hơn thời của cha mẹ chúng. Trẻ em bây giờ không có nhiều cơ hội vui chơi chan hòa với thiên nhiên, và bản thân cha mẹ cũng dành ít thời gian hơn cho con cái so với trước.
“Ngay cả thầy cô cũng có thời gian để đến thăm hỏi các cháu nhiều hơn chứ không phải là thời gian để dạy các cháu học thêm như bây giờ. Thực tế, nhà trường đã chiếm quá nhiều thời gian của trẻ, chỉ còn một chút thời gian để nghỉ ngơi, giải trí thì các sản phẩm công nghệ đã chiếm nốt. Bởi thế, nhiều người tuy nhận thức được đây là vấn đề, nhưng họ bối rối, không biết bắt đầu từ đâu”, TS Hằng nhận xét.
“Khi trẻ đã “nghiện” thì bắt buộc khi nhận ra phải nghĩ đến việc “cai” cho trẻ. Tuy nhiên những biện pháp cai bắt nguồn từ những việc tưởng chừng rất là nhỏ và gần như không quan trọng mà chúng ta vẫn phải làm thường nhật thì mới giúp đứa trẻ vượt qua được. Tổng thời gian của đứa trẻ chỉ có hạn. Bố mẹ phải biết chia tổng thời gian đó ra như thế nào.
Nếu con bạn có 4 tiếng tiếp cận với công nghệ một ngày, bạn muốn giảm xuống còn 30 phút thì bạn phải tính được, 3 tiếng rưỡi còn lại bạn sẽ làm gì với con? Có rất nhiều cách để có thể dẫn dắt con đi qua mê hồn trận của công nghệ, thoát ra khỏi ảnh hưởng của chúng song đòi hỏi cha mẹ phải có kiến thức và quan trọng là sự kiên nhẫn.
Trẻ em bây giờ không có nhiều cơ hội chơi các trò chơi dân gian như thế này
Là một người bà, người mẹ, TS Lệ Hằng chia sẻ: “Cháu nội tôi năm nay 2 tuổi, khi thấy mọi người trong gia đình làm việc với máy tính thì nó rất thích thú và thường thích “xông” vào. Hay khi ti vi bật thường xuyên, nó luôn nhìn thấy thì nó có sự trông chờ vào những hình ảnh trên ti vi. Tự thân chiếc ti vi đã có sức hấp dẫn, cám dỗ với đứa trẻ.
Trước điều đó, tôi phải tìm cách dẫn dắt nó để ra khỏi tình trạng ấy: Cho cháu ngồi nghịch một chút 10 - 15 phút để cháu biết, nhưng chủ yếu vẫn cho cháu tiếp cận với cuộc sống, những trò chơi bên ngoài. Nhờ đó, cháu dễ dàng rời bỏ những sản phẩm công nghệ ấy và việc này lặp đi lặp lại trong đời sống của trẻ, dần dà đã tạo cho cháu thói quen không bị những tính hấp dẫn của những sản phẩm kia giữ lại bởi cháu biết rằng ngoài kia còn rất nhiều điều hấp dẫn. Có làm, và có làm được điều này hay không, hoàn toàn là sự lựa chọn của cha mẹ”.
ThS. Đinh Thị Ngọc Oanh, Viện nghiên cứu trẻ em: “Nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ”
Các sản phẩm công nghệ mặc dù mang lại nhiều tiện ích nhưng nếu không biết cách sử dụng đúng thời lượng và mục đích thì sẽ gây rất nhiều nguy hại. Đối với trẻ nhỏ nếu có thể hạn chế hoàn toàn việc tiếp xúc với các đồ công nghệ là tốt nhất. Dành thời gian cho trẻ tương tác trực tiếp với người lớn, bạn bè cùng lứa tuổi hoặc với đồ chơi để trẻ phát triển một cách bình thường: Ngôn ngữ, vận động, nhận thức tạo ham muốn cho trẻ tìm hiểu khám phá thế giới thực xung quanh hơn là việc giao tiếp thụ động một chiều với thế giới ảo của các sản phẩm công nghệ.
Nếu không hạn chế đươc hoàn toàn thì nên khống chế thời lượng và chọn lọc chương trình cho trẻ tiếp xúc. Khi trẻ tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ phải có sự kèm cặp, hướng dẫn, giải thích của người lớn. Chẳng hạn: bố mẹ cùng trẻ xem một chương trình ti vi mà trẻ thích. Trong qua trình xem cùng con, bố mẹ nên dùng ngôn ngữ của mình thuyết minh lại nội dung của chương trình ti vi sau đó đặt câu hỏi liên quan đến nội dung đó cho trẻ trả lời qua đó phát triển ngôn ngữ hiểu, ngôn ngữ diễn đạt và cả nhận thức của trẻ.
Với trẻ lớn đã đi học cũng nên khống chế thời lượng và chọn lọc các chương trình mang tính giáo dục, phổ biến kiến thức cho trẻ tiếp xúc. |
Theo Quỳnh Anh
Vietnamnet