Trả chồng về nhà mẹ đẻ

Xưa nay chỉ có chuyện chồng gửi trả vợ về nhà mẹ đẻ vì cô nàng không làm tròn bổn phận nàng dâu. Nay, cũng có những anh chàng bị vợ “trả về địa phương” vì không chịu nổi.

 
Trả chồng về nhà mẹ đẻ - 1


“Nhờ mẹ nuôi chồng con mấy ngày”

 

Linh (33 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) mới có một con trai, nhưng khi có ai hỏi, cô thường trả lời là hai con, thằng bé 6 tuổi, “thằng lớn” 37 tuổi. Ngoài chuyện biết đi làm kiếm tiền thì về mặt hành vi, “thằng lớn” cũng chả hơn gì thằng bé: đói thì hét lên đòi ăn, quần áo không đưa cho thì không biết lấy gì mà mặc, tất cởi ra vứt ngay giữa nhà, xem TV chán thì ngủ chẳng thèm tắt… Phải làm mọi việc từ A đến Z, Linh đâm ra hay ca cẩm, cáu gắt. Mỗi lần Linh mắng, cả “hai thằng con” đều im thin thít nghe, nhưng chẳng thay đổi tí gì. Cô tự nhủ, đã lấy phải ông chồng quen được mẹ hầu đến tận răng thì phải chịu.

 

Nhưng đến hôm vừa rồi thì cô thấy không chịu nổi nữa. Việc cơ quan nhiều, lại có mâu thuẫn với đồng nghiệp, con ốm… Linh căng thẳng và kiệt sức. Về nhà, đang bò ra dọn dẹp, nấu nướng thì con đòi uống nước, nhưng ông chồng mải đọc báo trên mạng bảo cứ đợi mẹ, Linh gào lên, hết mắng chồng đến than thân. Rồi mệt quá, cô thều thào: “Tôi không cần anh giúp tôi, chỉ cần anh tự hầu cái thân anh thôi. Nhưng tôi đã một mình chăm con rồi còn phải hầu anh, giờ tôi không có sức nữa. Tôi sẽ gửi anh về nhà bố mẹ, nhờ các cụ nuôi anh hộ ít hôm”.

 

Nói là làm, Linh nhấc điện thoại gọi ngay cho mẹ chồng: “Thằng bé nhà con nó ốm mà con thì công việc căng thẳng quá, chỉ đủ sức phục vụ con con thôi chứ không phục vụ bố nó được. Mẹ cho con gửi anh ấy sang nhà ít hôm”.

 

“Tôi không làm mẹ anh nữa”

 

Chồng của Uyên Thảo thì chẳng những không biết, không chịu mó tay vào việc gì trong nhà mà lại còn khảnh ăn, khảnh mặc. Quần áo phải không một nếp nhăn hay vết gợn, món ăn nào thiếu một chút gia vị hay thức ăn kèm không phù hợp là chê bai và không đụng đũa ngay. Để làm vừa lòng ông chồng khó tính, Uyên Thảo không chỉ bận tối mắt mà còn phải vô cùng cẩn thận. Đi làm về muộn đến mấy, mệt đến mấy, cô cũng không dám nấu nướng qua quýt, dù nhiều khi hì hụi nấu xong thì đức lang quân lại báo là nhậu ở ngoài rồi.

Trong thời gian Thảo nghỉ đẻ, do có mẹ chồng sang giúp nên chồng cô vẫn được ăn ngon, mặc đẹp. Thảo đi làm trở lại thì có ôsin giúp nên vẫn chăm chút cho chồng được. Đến khi ôsin nghỉ việc thì mới có chuyện. Sáng đi làm, mặt chồng Thảo nhăn như cái áo chưa được là. Tối đến, anh chàng thở dài thườn thượt, ngán ngẩm nhìn mâm cơm nấu vội, và mấy miếng rồi lắc đầu buông đũa. Thảo điên tiết, bắt đầu bài ca: “Anh có biết tôi khổ thế nào không, anh ngồi chễm chệ như ông tướng...”. Nghe vợ lải nhải chán tai, ông chồng vừa bỏ vào phòng khách xem TV vừa lẩm bẩm: “Đang yên đang lành, tự nhiên lấy vợ để chuốc khổ vào thân”.

 

Nổi cơn tam bành, Thảo chạy theo túm áo chồng giật lại: “Khổ hả? Được, cứ coi như anh chưa lấy vợ đi. Anh cần phục vụ gì thì cứ bảo mẹ anh nhé. Tôi không làm mẹ anh nữa. Từ giờ tôi chỉ hầu con tôi và chính tôi thôi”.

 

Nói là làm, từ hôm đó Uyên Thảo chỉ giặt đồ cho hai mẹ con, nấu bột cho con ăn. Bản thân cô thì khi mì tôm, khi bát cơm với thức ăn đơn giản, còn bố nó thì mặc kệ. Cô hả hê biết chồng mình giỏi lắm chỉ tự làm được mì tôm úp, món mà anh chàng không nuốt nổi. Cơm bụi thì anh càng nuốt không trôi, nhà hàng thì chẳng lẽ đi một mình. Thế là cực chẳng đã, anh chàng vơ đống quần áo bẩn sang nhà bố mẹ đẻ tá túc thật.

 

“Vợ ơi, cho anh về”

 

Vợ chịu hết nổi mới “đuổi về nhà mẹ”, nhưng các ông chồng kiểu như chồng Linh và Thảo đều cảm thấy mình là kẻ gặp vận đen, phải lúc vợ trái tính trái nết nên đang sướng như tiên thành ra bị hắt hủi. Các đấng lang quân này không hiểu sao mình lại bị đổ lỗi trong cái việc vợ mình mệt mỏi phát điên lên. Thế nhưng vì vợ kiên quyết không hầu nữa, họ lủi thủi về “ăn chực” mẹ đẻ, người vẫn hầu họ cho đến khi lấy vợ.

 

Về nhà mẹ, chồng Uyên Thảo thở phào khi lại được ăn uống tử tế mà chẳng phải nghe một câu mắng nào. Anh tự nhủ, sao lại dại dột chui đầu vào rọ hôn nhân. Nhưng được một tuần, anh chàng thấy nhớ vợ và con gái quá, chỉ muốn về lại “cái rọ”. Sĩ diện giữ chân chồng Thảo thêm được ba ngày nữa, rồi anh chàng khăn gói về nhà. Nhìn nâm cơm sơ sài vợ nấu để ăn một mình, anh chàng nịnh “ngon thế” rồi xin ăn cùng, ăn xong lại xung phong trông con cho vợ rửa bát.

 

Còn chồng Linh tự ái ngút trời khi vợ bảo nhờ mẹ nuôi hộ mấy ngày, tự nhủ ở lì không về cho Linh biết tay. Nhưng hoá ra địa vị “cậu út” của anh ở nhà bố mẹ đã bị chiếm mất bởi hai thằng con sinh đôi của ông anh ruột hiếm muộn. Bà mẹ già 70 tuổi của anh suốt ngày quay cuồng với cháu, phát bẳn khi thấy thằng con út loanh quanh quẩn quẩn, hết nhăn nhó lại thở ngắn than dài. Bà quát: “Thôi đi về đi, già đầu rồi cũng phải biết đỡ đần vợ con một chút, nó mà đuổi lần nữa là tao cũng không chứa đâu”. Anh chàng nghĩ đi nghĩ lại, rồi gọi điện: “Vợ ơi cho anh về nhé, anh sẽ cố gắng tự hầu mình”.

 

Linh kể: “Lần đầu tiên từ thuở cha sinh mẹ đẻ, lão ấy ăn xong tự xếp bát vào bồn cho vợ rửa, lại còn cho quần áo vào máy giặt”. Với cả Linh và Uyên Thảo, những “thành tích lao động mới” của chồng tuy chẳng bao nhiêu nhưng họ vẫn rất sung sướng, vì ít ra các chàng cũng đã chia sẻ việc nhà. Và chỉ mó tay vào chút thôi, các ông chồng cũng có cơ hội hiểu ra vợ vất vả thế nào. Còn để chồng có thể thực sự đỡ đần vợ, Linh và Thảo tự nhủ sẽ phải “đào tạo” dần dần thôi.

 

Theo Đất Việt