Tóc trên vai áo

Cưới nhau về, vợ chồng cùng tay trắng nên tiết kiệm được đưa lên hàng đầu. Chiều hôm trước cô nấu thêm chén gạo, hôm sau dậy sớm chiên cơm nguội ăn sáng.

 
Tóc trên vai áo


Thức ăn còn lại chiều qua được tận dụng ăn kèm với cơm chiên nên món cơm chiên của cô mỗi ngày mỗi vị khác nhau. Anh thích ăn giòn nên cô hong chảo riu riu để lớp cơm bên dưới sem sém rồi mới đảo, lại đợi sem sém nữa rồi đảo, cho đến khi cả chảo cơm giòn giòn thơm phức. Anh thường khen cơm cô chiên ngon hơn cơm chiên Dương Châu ở quán.

 

Khi cô ốm nghén, người dọn dẹp bữa chiều là anh, dậy sớm hơn cũng là anh. Lúc đó, anh mới biết, để có được những chảo cơm chiên ngon lành mỗi sáng là biết bao kiên nhẫn.

 

Dành dụm từ khởi đầu như vậy đó.

 

Rồi anh và cô mua được thêm cái xe máy, không còn cảnh chở nhau đến cơ quan người này trước rồi mới đến cơ quan của người kia sau, lúc nào cũng hấp tấp để khỏi bị trễ giờ làm. Rồi thì chuyển đến phòng trọ lớn hơn…

 

Mua được căn nhà nhỏ. Và căn nhà lớn hơn…

 

Những bữa sáng bên nhau quanh chảo cơm chiên với thức ăn thừa chiều qua giờ đã là quá khứ rất xa. Có người giúp việc nấu những bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, bữa khuya theo kiểu Nhật, kiểu Tàu, kiểu Ý…; cô chỉ còn mỗi việc trang điểm, ngồi chờ chồng đi làm về.

 

Đôi khi anh không về. Công việc liên miên, mà bàn công việc thì không gì bằng nói với nhau trên bàn tiệc.

 

Vài lần anh về, vai áo dính vài sợi tóc lạ. Cô cố giấu nỗi buồn. Cô biết quán xá thì không tránh khỏi mà anh thì mệt mỏi vì công việc, gia đình phải là một điểm tựa bình yên thanh thản cho anh trở về. Chỉ cần anh trở về. Bạn bè cho cô kinh nghiệm thương đau là chồng giàu mà làm căng thì phần thiệt chắc chắn về mình.

 

Vậy nên cô nín lặng, lặng lẽ gỡ những sợi tóc lạ khỏi vai áo anh, cất riêng vào một cái hộp, như cất riêng nỗi hoang mang của mình. Chẳng lẽ cứ tiếp tục thế này mãi sao? Một ngày, cô nhận ra người giúp việc dù vẫn rất lễ độ nhưng ánh mắt nhìn cô vẻ như thương hại. Nỗi tổn thương không giấu được nữa. Cô tự hỏi mình có sợ mất chồng không?

 

Cô không trả lời được câu hỏi đó, chỉ chắc chắn một điều là cô sợ con mình mất cha.

 

Cô lấy cái hộp đựng những sợi tóc lạ ra, định bụng hôm nay sẽ nói chuyện với anh về vật chứng này. Rồi sau đó… Thì tùy anh. Cô không kiên nhẫn được nữa.

 

Cô săm soi từng sợi tóc, cô gái này hẳn rất thời trang, hết óng ánh nâu đến phơn phớt vàng, uốn loăn quăn rồi duỗi thẳng… Rồi cô soi mình trong gương. Cô là người kiểu cổ, chỉ mỗi kiểu tóc bới cao cho gọn, đã lấp ló sợi bạc trong đám tóc con trước trán. Bỗng cô muốn òa khóc.

 

Anh về tới khi nước mắt cô đã đầm đìa trên mặt. Nghe cô buộc tội, anh cũng khóc. Anh không thể nhớ những sợi tóc đủ màu đủ kiểu đó nhưng anh thề là chỉ có mình cô, vai áo thì anh không biết không nhớ, nhưng duy nhất một người để lại tóc trên gối anh mà thôi.

 

Thế tại sao anh không về nhà ăn cơm?

 

Biết nói sao bây giờ. Cơm nhà giống hệt cơm quán, kiểu Nhật kiểu Tàu kiểu Ý… nhiều khi nhìn mâm cơm nhà mà không phân biệt được mình đang ngồi ở quán hay ở nhà.

 

Là anh bày tỏ hay khôn khéo phân bua? Lại còn như trách móc cô là sao chứ?

 

Và cô giật mình… Lẽ ra những bữa ăn cầu kỳ kiểu cọ bắt chước quán xá chỉ nên là tóc trên vai áo mà thôi thì cô lại cho nó trở thành tóc trên gối.

 

Cô nhớ ra lâu rồi mình không vào bếp để làm những món từng khiến căn phòng nhỏ ấm sực lên, lâu rồi không có mùi thơm từ tay cô tỏa ra như ngày nào anh vừa tập thể dục vừa xuýt xoa “Em chiên cơm ngon hơn cơm Dương Châu ở quán”.

 

Mà chiên cơm giòn thơm như vậy thì cần kiên nhẫn biết bao.

 

Theo Nguyên Hương

PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm