Tờ đơn viết vội

Trời nhá nhem tối mới nghe tiếng xe của anh dừng trước nhà. Chị xem như không có chuyện gì, im lặng ngồi đút cháo cho con.


Tờ đơn viết vội



Anh vào nhà, người nồng nặc hơi men, giả lả cười với con rồi đi thẳng vào phòng ngủ. Sáng hôm sau, anh vờ như mình vô tội, âu yếm ôm eo vợ định hôn vào má. Chị nghiêng đầu tránh, lạnh lùng gỡ tay anh. Biết vợ đang giận, anh dỗ ngọt, nhưng chị bực bội quát lên: “Tui là vợ anh chứ không phải con rối để anh đùa giỡn. Buông ra!”. Anh sững lại nhìn chị, hầm hầm dắt xe đi.

Biết mình hơi quá nhưng đang trong cơn giận nên chị không kềm được. Cứ nghĩ lát nữa chồng về lại cười giả lả làm huề như mọi lần nên chị yên tâm ngồi nhà chờ. Ngờ đâu, anh đi một mạch đến tối mới khật khưỡng về. Đã vậy, còn chẳng dắt nổi xe vào nhà, quăng xe ngã rầm ngoài sân rồi nằm đại trên chiếc xích đu ngoài sân ngủ. Chị thở dài, ra sân dựng xe lên đẩy vào nhà, quay ra đem theo cái mền đắp cho anh.

Từ hôm đó, tổ ấm của hai người như thành... tổ lạnh. Ai đi về mặc ai. Ai cô đơn, hờn trách mặc ai. Chị giận, không thèm nhìn, không thèm nói một câu. Được thể, anh như chim sổ lồng, ngày nào cũng đi đến khuya mới chịu về. Chị im lặng nhưng không có nghĩa là chị bỏ qua. Chị nhớ hết, dồn nén để chờ cơ hội “bung” hết cho hả.

Không để chị phải đợi lâu, cuối tuần, anh hẹn với mấy ông bạn “không say không về”. Đêm đó, cả hội ngủ lại quán vì không ông nào còn tỉnh táo để nhớ nhà mình ở đâu.

Hừng sáng, anh vội vã chạy về nhà. Anh nhè nhẹ mở cửa rồi rón rén bước vào như mèo ăn vụng. Anh định lẻn vào nhà tắm xóa tan dấu vết, nhưng chưa kịp đến nơi đã giật thót mình vì nghe tiếng vợ gắt, sao anh không đi luôn đi, đây đâu phải nhà của anh, nhà của anh là quán nhậu, vợ con anh là mấy ông bạn nhậu, dọn đồ ra đó mà ở. Anh gầm lên, tui là tù nhân của cô chắc, riết rồi tui không có quyền kết bạn sao? Chị cãi, nếu anh đã coi bạn bè quan trọng hơn vợ thì đừng ở đây nữa, ly hôn đi rồi tha hồ tự do, muốn đi đâu thì đi không ai cằn nhằn, cấm cản. Anh quắc mắt, đó là cô nói đấy nhé, viết đơn đi tui ký. Chồng lên lầu, vợ ngồi lại trong nước mắt giàn giụa. Đêm đó, chồng trằn trọc không ngủ được, vợ cũng thức trắng cặm cụi viết đơn.

Chị đặt lá đơn trên bàn khi anh vừa bước vào nhà. Anh không thèm nhìn, quay lưng dắt xe đi tiếp. Chị khóc tức tưởi, không ngờ một chút tôn trọng cuối cùng anh cũng không dành cho mình. Lát sau, nghe tiếng xe của anh quay lại, chị đi thẳng vào phòng khóa trái cửa. Tờ đơn ly hôn vẫn đặt trên bàn.

Bỗng chị nghe tiếng gõ cửa, rồi giọng của mẹ chị, con ra đây cho mẹ nói chuyện. Thì ra, anh thấy tờ đơn ly hôn nên biết tình hình “chiến sự” đã rất xấu. Trước đây, nếu anh tỏ ra hối lỗi là chị tha thứ, nhưng một khi chị đã viết đơn thì chuyện khó có thể cứu vãn. Trong lúc nguy cấp, anh bỗng nhớ đến... mẹ vợ, người chị luôn thương yêu và kính nể. Cách hay nhất lúc này là nhờ “nhạc mẫu” can thiệp thôi.

Chị cất tờ đơn vào ngăn tủ sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi nghe mẹ mắng… cả hai về cái tội lớn rồi mà không biết suy nghĩ. Hai vợ chồng không ai nghĩ cho con mà chỉ lo hơn thua nhau. Chị khóc rấm rứt. Anh lí nhí xin lỗi mẹ và vợ, hứa sẽ không la cà nhậu nhẹt sau giờ làm nữa. Hòa bình được lập lại. Chuyện cũ đó qua đã lâu nhưng tờ đơn đến giờ vẫn còn được chị cất giữ cẩn thận, không phải để “hù dọa” anh mà để nhắc nhở mình không được quyết định vội vã trong cơn tức giận. Phải biết kiềm chế để suy nghĩ thấu đáo. Đừng chỉ nghĩ cho riêng mình mà phải nghĩ cho cả tổ ấm bấy lâu mình đã vun đắp.

Theo Bút Nam
Phụ nữ TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm