Tiền không mua được hạnh phúc

(Dân trí) - Đã có thời xóm này nêu ra tấm gương sáng về “Tiền không mua được hạnh phúc”. Ấy là gia đình chị Phượng, anh Hùng. Chẳng giàu có gì nhưng vợ chồng con cái yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.

 
Tiền không mua được hạnh phúc - 1

Hình chỉ có tính chất minh họa.

Chị là giáo viên tiểu học, anh là công nhân của một công ty nhà nước. Họ sống mãn nguyện bên hai đứa con trai đĩnh ngộ, ngoan ngoãn.

 

Mọi việc thay đổi khi bắt đầu có chủ chương thu hút đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh. Những ngọn núi được san bằng, nhà xưởng mọc lên như nấm. Chỉ sau một năm, khoảng trống ấy đã được lấp đầy, chuẩn bị san vài ngọn núi khác.

 

Khi các công ty bắt đầu đi vào hoạt động, đã có cán bộ khung, đang cần tuyển dụng công nhân thì Phượng nhanh chóng dùng tiền và các mối quan hệ từ trước để bắt mối thân quen với các trưởng phòng, phụ trách nhân sự. Sau đó, những ai muốn vào làm ở các bộ phận, kể cả công nhân cũng đều có “giá”. Tùy mức độ công ty làm ăn được hay không mà Phượng ra giá. Giá sàn là năm triệu đồng.

 

Sau có ba năm nhà Phượng đã giàu nhất phố. Nghề giáo viên cũng được Phượng cáo ốm, xin “bảo lưu”, vẫn đóng bảo hiểm đều đều, lấy chế độ về sau. Hai đứa con cũng được “khoán trắng” cho chồng đã thôi làm công nhân và người chị họ dưới quê lên giúp việc. Đầu óc Phượng khi ấy chỉ đau đáu nhớ những việc đang chờ người và người chờ việc để hòng kiếm lời. Luôn phải tìm cách “khu môi múa mép” để người ta tin tưởng giao tiền cho mình…

 

Nhưng rồi khủng hoảng kinh tế, hết việc khiến nhiều công nhân bỗng dưng bị đẩy ra ngoài đường. Trung tâm môi giới của Phượng bị giảm sút uy tín đáng kể. Tiền nhiều, đầu óc có “sỏi”, Phượng tính xoay sang buôn bán bất động sản.

 

Phượng móc ngoặc với những người có máu mặt để biết trước định hướng và dự án mở đường lớn, sau đó mua rẻ, bán đắt. Khi ấy mọi người vẫn gọi Phượng là địa chủ đất.

 

Ngoài ba mươi Phượng đã nắm trong tay hơn chục tỷ đồng. Giàu là vậy song đầu óc Phượng lúc nào cũng quay cuồng việc kiếm tiền tựa như một thói quen.

 

Tối ngày mẹ như vậy, hai đứa con trai đã đến tuổi biết đua đòi, lắm tiền lại được bố mẹ thả lỏng nên chúng tự do ăn chơi, kiếm cớ đi học để đánh điện tử, đàn đúm. Chị giúp việc giờ không phải chăm cháu nữa mà chuyển sang chăm bố cháu. Phượng không hay biết, vẫn mải mê với các con số cùng bao toan tính.

 

Sẵn tiền trong tay, Phượng tính chuyện mua đất để xây dựng một nhà hàng thật lớn, ước tính trên mười tỷ đồng nhằm kinh doanh ăn uống ngay giữa trung tâm khu công nghiệp. Việc tiến triển thuận lợi, nhà hàng đang tuyển nhân viên, chuẩn bị đi vào hoạt động thì thấy cô giáo chủ nhiệm của đứa thứ hai gọi điện hỏi vì sao ba hôm nay không thấy nó đến trường. Đang nháo nhác đi đến các quán Internet tìm con về, còn chưa kịp hoàn hồn, ráo mồ hôi thì lại có tin của công an khu vực báo vừa bắt được thằng lớn ngồi chích ma túy ngoài đường tàu cùng với năm tên khác.

 

Lòng dạ chưa hết rối bời, một tuần sau Phượng nhận được đơn xin ly hôn của chồng, chỉ chờ vợ ký. Anh đã chán ngấy cảnh vợ đi liên miên, sống vô tình chỉ biết có tiền, góp ý nhiều mà không thay đổi, tư tưởng sống của hai người đã trở nên khác biệt quá lớn.

 

Đau nữa là ít lâu sau khi thằng con đầu đi cải tạo, đứa thứ hai trộm tiền bỏ trốn vào Nam thì chồng Phượng và chị giúp việc đến với nhau, cùng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành. Sớm tối bên nhau, họ cùng vào làm công nhân trong một nhà máy và có với nhau một đứa con gái ngoan hiền, lễ phép.

 

Giờ chỉ còn Phượng ở lại với một núi tiền! Dân quanh đó lại bảo nhau: “Tiền đâu mua được hạnh phúc!”.

 

TSL