Tiền không bù đắp được tình chồng vợ

Không ít người tìm mọi cách kiếm tiền, vì nghĩ rằng, có tiền, gia đình sẽ hạnh phúc. Bởi thực tế, tình cảm thiêng liêng, hạnh phúc gia đình không thể “đong” bằng vật chất.


Tiền không bù đắp được tình chồng vợ



Vừa được sếp chia chác một khoản tiền lớn sau dự án khủng, anh Nguyễn Quang Huy (quận 2, TPHCM) đến ngay cửa hàng đá quý kim hoàn đặt cho vợ chiếc lắc tay đính đá. Cuối tuần trước, anh “hộ tống” cả gia đình sếp đi chơi nên nhìn thấy phu nhân của sếp đeo một chiếc lắc kiểu dáng như thế. Anh cứ tưởng tượng, đôi bàn tay trắng muốt của vợ mình cũng đeo chiếc lắc trị giá 5 chỉ vàng, đính đá ruby sáng lấp lánh như thế chắc hẳn ăn đứt đôi bàn tay múp míp kia.

Sau đó, anh sẽ đến trung tâm thương mại lớn nhất thành phố, tìm bằng được bộ đồ chơi xếp hình siêu nhân mà con trai anh mê tít. Hôm nào đưa con đi học qua đây, anh cũng nghe con thủ thỉ: “Cửa hàng này có bán bộ siêu nhân hiện đại lắm nhưng giá đắt quá nên mẹ bảo không mua nữa. Hôm nào bố mua cho con nhé”.

Từ ngày được làm chân trợ lý giám đốc, công việc của anh Huy rất bận rộn. Sếp anh vốn là người ham chơi, mọi cuộc nhậu nhẹt hay chiêu đãi đối tác, đi chơi xa đều muốn kéo anh đi cùng. Anh Huy nổi tiếng là người có tửu lượng khá, lại biết cách ăn nói, góp vui trên bàn nhậu. Hơn nữa, anh khéo léo lấy lòng cả sếp lẫn vợ sếp nên cuộc vui nào có anh đi cùng, sếp bà cũng yên tâm hơn.

Vì công việc nên anh chẳng còn nhiều thời gian dành cho vợ, con, kể cả những ngày nghỉ. Thế nên “kiếm” được khoản gì kha khá, anh lại nghĩ ngay đến việc mua quà cáp cho cả nhà. Mỗi lần thấy gia đình sếp đi chơi đây đó, anh lại nghĩ đến gia đình mình ít khi có điều kiện hưởng thụ cuộc sống giàu sang như thế. Anh càng quyết tâm phấn đấu kiếm thật nhiều tiền để vợ anh cũng xúng xính quần áo hàng hiệu, vàng đeo đầy người; còn con anh cũng được du học trời Tây như con sếp. Anh nghĩ chỉ có tiền, kiếm thật nhiều tiền thì gia đình mình mới hạnh phúc, vợ chồng càng thêm yêu thương nhau.

Thế nhưng, từ ngày anh lên chức, chị Hoàng Thanh Nga, vợ anh lại cảm thấy gia đình như thiếu cái gì đó. Khác với trước kia, hết giờ làm, anh thường về nhà chăm lo cho gia đình. Hôm thì anh tắm cho con, chị nấu cơm tối và ngược lại... Bữa cơm tối luôn đầy ắp tiếng cười. Còn nay, anh đi làm đến tối mịt mới về, người ngợm lúc nào cũng sặc sụa mùi rượu. Vợ góp ý lo lắng cho sức khỏe thì anh dẫn ra hàng loạt lý do, nào là vì công việc, vì muốn làm vui lòng sếp, vì kiếm tiền... Thoảng lắm anh mới về sớm ăn cùng vợ con nhưng cả bữa cơm, anh ngồi “vẽ” ra hàng loạt kế hoạch, nào là “tậu” ô tô, sửa sang lại phòng cho con... Nhiều hôm, đang ăn cơm, chỉ cần một cuộc điện thoại của sếp là anh lại vội vàng buông bát, đũa, tất bật ra khỏi nhà.

Thực tế, không chỉ mày râu, mà nhiều chị em có suy nghĩ như anh Huy. Họ cố gắng làm việc cật lực cả ngày để kiếm thêm nhiều tiền cho gia đình và con cái. Nhiều khi họ không còn thời gian cho tổ ấm vì miệt mài với công việc, kể cả ngoài giờ làm việc. Điều này khiến không ít gia đình lung lay.

Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia tâm lý, nhiều người có mức sống cao thường hạnh phúc hơn những người sống thiếu thốn. Có thêm tiền khiến cuộc sống “lên đời” với thực phẩm ngon hơn, đồ đạc xịn hơn, các điều kiện giải trí tốt hơn. Tuy nhiên, không ít người vì quá chú trọng vào kiếm tiền, đã tìm mọi cách để đạt được mục đích nên phải trả giá đắt, trong đó có hạnh phúc gia đình. Bởi nếu quá chú trọng vào kiếm tiền thì sẽ không còn thời gian dành cho gia đình, dễ phát sinh như điều không mong muốn. Hơn nữa, khi đã có tiền, nếu không biết giữ mình, có thể “hư hỏng”. Do đó, đôi khi nhiều tiền chưa hẳn đã hạnh phúc, mà hạnh phúc thường đến với người biết cân bằng mọi vấn đề trong cuộc sống.

Theo Thu Phương
Phụ nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm