Tiền chồng “cho gái“ có đòi được không?
Khi người đàn ông phản bội vợ, cùng với tình cảm, tiền bạc trong nhà cũng vơi đi rất nhiều, vì phục vụ những nhu cầu, sở thích của người tình. Trong rất nhiều trường hợp, sự việc vỡ lở ra, không ít bà vợ bên cạnh việc đòi lại chồng, cũng cố công đòi khoản tiền chồng đã mang "cho gái".
Sau một thời gian lăn lưng gây dựng cơ nghiệp, khi năm cửa hàng thuốc tây trên địa bàn Hà Nội bắt đầu hoạt động đều đặn thì anh Vân chồng chị Lan (ở khu tập thể Bách Khoa, HN), lại trở tính sa vào chuyện bồ bịch. Mất một thời gian thuê thám tử điều tra, chị Lan "nắm trong tay" đầy đủ chứng cớ của mối tình “ngoài luồng” này.
Chị quyết định “phản công” bằng một buổi nói chuyện nghiêm túc với chồng, cùng lá đơn ly hôn ký sẵn. Đàn ông bồ bịch lăng nhăng, nhưng có mấy ai vì thế mà dám bỏ “vợ cái, con cột”, nên anh Vân sẵn sàng từ bỏ người tình để tu chí hồi gia. Đòi được chồng về, nhưng chị Lan vẫn canh cánh về khoản tiền 100 triệu đồng mà chồng mình đã mang cho gái. Chị Lan tổ chức một cuộc gặp “ba bên” để đòi.
Anh Vân trố mắt trước những chứng cớ vợ mình trưng ra để đòi lại số tiền 100 triệu "cho gái". Đó là những hóa đơn mua nữ trang, mua điện thoại đắt tiền cùng mấy tờ giấy chuyển tiền vào tài khoản tài ngân hàng của anh Vân cho người tình, mà không biết bằng cách nào chị Lan thu thập được.
Cứ ngỡ thế là đầy đủ chứng cớ. Ngờ đâu, đến lượt mình, anh Vân cũng khiến cho bà vợ đi từ ngạc nhiên đến phẫn nộ tột độ, khi đưa ra giấy tờ chứng minh khoản tiền đó là tiền riêng của anh ta. Có được từ các “hạng mục” công việc x,y,z gì đó nằm ngoài thu nhập từ năm cửa hàng thuốc, rồi tiền anh ta thắng chứng khoán. Theo quan điểm của anh Vân, vì là tiền riêng nên tất nhiên anh ta có quyền quyết định chi tiêu nó vào việc gì.
Có tiền chồng, tiền vợ hay tiền nào cũng là tiền chung?
Theo quan điểm của luật sư, việc đòi lại khoản tiền chồng đã đem "cho gái" của chị Vân hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa. Và, khả năng thắng kiện sẽ lớn nếu người vợ (tất nhiên là trong trường hợp vợ chồng hợp pháp) có đầy đủ bằng chứng về số tiền chồng mình "cho gái", cũng như chứng minh số tiền đó nằm trong khối tài sản chung của hai vợ chồng, nhưng đã không được sự bàn bạc, thoả thuận của cả hai.
Vậy tài sản chung của vợ chồng bao gồm những gì? Theo quy định của Luật Hôn nhân - Gia đình năm 2000 thì tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung... (Khoản 1 Điều 27). Trong đó, thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng có thể là trúng thưởng xổ số, tiền thưởng, tiền trợ cấp…
Như vậy, việc anh Vân khẳng định số tiền 100 triệu đồng cho người tình là tài sản riêng của anh ta là không chính xác. Vì chiểu theo luật, số tiền đó hình thành từ thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh (tiền làm thêm của anh Vân) và những thu nhập hợp pháp khác (tiền thắng chứng khoán của anh Vân) của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Mặt khác, theo Nghị định 70/2001/NĐ-CP hướng dẫn Luật HN-GĐ, nếu việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng hoặc tài sản chung là nguồn sống duy nhất của gia đình, thì sự thoả thuận của vợ chồng phải tuân theo hình thức nhất định là lập thành văn bản có chữ ký của vợ, chồng hoặc phải có công chứng, chứng thực...
Đối với các giao dịch dân sự mà pháp luật không có quy định phải tuân theo hình thức nhất định, nhưng giao dịch đó có liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch đó cũng phải có sự thoả thuận bằng văn bản của vợ chồng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng tự ý thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung mà không có sự đồng ý của một bên, thì bên đó có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Theo Linh Thụy
PNO