Thưa thầy... em yêu anh

(Dân trí) - Không quá nếu nói trường học là mảnh vườn cảm xúc đầu tiên của nhiều người. Biết bao tình yêu đẹp đã đơm hoa kết trái nơi đây, rồi những mối tình học trò lãng mạn nhưng đầy nước mắt. Cùng đó cũng không hiếm những trái tim “lạc nhịp” chốn học đường khiến ta cười ra nước mắt.

Tường, sinh viên năm cuối trường ĐHSP, thấy mình thật may mắn khi được phân công thực tập tại một trường cấp III ngay trong lòng Hà Nội.

 

Không phải đi ngoại tỉnh, được sống nốt những ngày tháng còn lại của đời sinh viên tại Hà Thành khiến Tường vui vui.

 

Chưa bao giờ bước lên bục giảng, lại thực tập tại một trường mà phần đông là học sinh nữ càng khiến anh không ngừng hồi hộp và lo lắng.

 

Cao ráo, thư sinh lại rất nhiệt tình và cởi mở, luôn nở một nụ cười tươi rói khi lên lớp khiến anh nhanh chóng lấy được cảm tình của học sinh trong lớp. Mọi hoạt động tập thể đều không vắng bóng anh. Cũng vì vậy mà không hiểu từ bao giờ cô lớp trưởng đã luôn sát cánh bên anh, từ kế hoạch học tập của lớp đến hoạt động ngoại khóa. Kỳ thực tập cứ thế trôi qua thật nhanh tưởng như chỉ còn buổi liên hoan chia tay là kết thúc.

 

Có điện thoại, Tường nhấc máy: “Alô, ai đấy ạ?”.

 

“Em Trâm lớp trưởng đây ạ”.

 

“Có chuyện gì thế em?”.

 

“Thầy đến ngay Nắng Sài Gòn đầu đường Nguyễn Chí Thanh nha”.

 

Tường chưa kịp hỏi thêm gì thì Trâm đã cúp máy. Không biết có chuyện gì mà học sinh lại gọi mình ra cà phê. Mặc vội quần áo Tường lên xe phóng đi. Đến nơi, anh ngỡ ngàng vì trước không phải cô bé Trâm trong bộ trang phục học sinh mà là một thiếu nữ hoàn toàn khác, ăn mặc sành điều, trang điểm kỹ càng toát lên một vẻ quý phái kiêu sa.

 

“Em chào thầy, thầy ngồi đi ạ”.

 

“Trông em khác quá, suýt nữa thì thầy không nhận ra”.

 

Ngồi nói chuyện một lúc lâu đủ các thứ chuyện bỗng Trâm ấp úng:

 

“Hôm nay em nhờ thầy ra đây có chút việc mà em chẳng biết bắt đầu từ đâu cả”.

 

 “Em cứ nói đi, thầy có từ chối giúp đỡ các em cái gì bao giờ đâu”.

 

“Thưa thầy, thầy có biết thầy để lại nhiều ấn tượng trong em như thế nào không? Ngay từ cái nhìn đầu tiên em đã thấy thầy rất gần gũi, thưa thầy, em… em… yêu anh.”.

 

Tường hoàn toàn choáng váng không biết phải nói gì với cô học sinh mới lớn. Liền những ngày sau đó Trâm nghỉ học mà chỉ Tường mới biết lý do. Anh viết cho cô học sinh một lá thư dài nói rằng rất trân trọng tình cảm của Trâm nhưng đã có vợ và chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là nhận bằng tốt nghiệp về quê dạy học, sống cùng vợ và đứa con sắp chào đời.

 

Cô phải làm sao khi đã… trót yêu em?

 

Hưng, sinh viên ĐHNT, mừng húm khi nhận được tin lớp có cô giáo dạy tiếng Anh mới lại rất trẻ và xinh xắn. Chẳng là sắp tốt nghiệp rồi mà bứng miệng anh chàng cũng chẳng nói nổi nửa từ ngoại ngữ. Có giáo viên mới, Hưng quyết tâm học và học giỏi tiếng anh. Thế là trong giờ Hưng hăng hái phát biểu, về nhà luôn làm đủ bài tập và hôm nào cũng mong nhanh đến giờ tiếng Anh.

 

Thấy cậu sinh viên cao ráo điển trai lại chịu khó học hành, lòng Dung cũng vui vui. Rồi không biết từ khi nào Dung đã hướng dẫn thêm ngoài giờ cho Hưng. Lúc ở nhà Dung, khi ở chỗ Hưng. Cậu sinh viên vẫn cần mẫn học tập với hy vọng ra trường sẽ đủ vốn ngoại ngữ để xin vào một công ty liên doanh nào đó. Chỉ có lòng Dung là dâng lên những cảm xúc khó tả những lúc gần Hưng cũng như xa Hưng. Thỉnh thoảng dạy học xong Dung còn tranh thủ giúp Hưng dọn dẹp nhà cửa, khi thì giặt hộ cái sơ mi, lúc thì lau hộ cái nhà…

 

Sợ bạn gái biết sẽ buồn, Hưng chủ động mời cô giáo đi uống nước để cảm ơn cô đã giúp đỡ trong thời gian qua, lấy lý do phải làm luận văn tốt nghiệp nên tạm thời không học tiếng Anh nữa. Không ngờ Dung tìm mọi lý do để Hưng phải tiếp tục học, khi thấy cậu sinh viên có vẻ kiên quyết thôi học thì mắt Dung ngân ngấn lệ: “Em tệ lắm Hưng ạ, em có hiểu người con gái đang yêu trong cô không? Bây giờ việc khó nhất mà cô phải làm là không gặp em mỗi ngày đấy. Cô phải làm sao khi đã trót yêu em?”.

 

Đến lúc này Hưng đành phải thú nhận rằng đã có bạn gái và không muốn làm bạn gái buồn: “Em thôi học thì chỉ có một, nhưng nếu em học tiếp thì sẽ có hai người con gái buồn cô ạ”.

 

Tuần sau khi đến lớp, Hưng nhận được tin cô giáo đã xin chuyển công tác lên một trường nào đó mạn Tây Bắc. Cổ họng Hưng bỗng nghẹn lên lời xin lỗi: Biết bao giờ em mới gặp lại cô - người con gái hơn em chưa đầy hai tuổi?

 

Em rất giống… vợ tôi

 

Lần nào cũng vậy, cứ đến giờ thi nói là cổ họng Quyết lại cứng lại. Rất chăm học, lại chuẩn bị trước nhưng vào phòng thi thì lúc nói tiếng Pháp, lúc đá tiếng Anh. Vốn là một cô gái xuất thân từ Thanh Hóa nên Quyết rất tự ti về giọng nói địa phương của mình. Đã theo học ngoại ngữ, giọng nói phải chuẩn mới hy vọng đạt điểm cao.

 

Lần này cũng vậy, nhưng Quyết kịp hoàn hồn khi nhận ra thầy Bình, giáo viên trực tiếp giảng dạy Quyết môn văn học Pháp. Thầy rất dễ tính. Sinh viên đồn rằng chưa có ai thi nói phòng thầy mà phải thi lại cả. Quyết lấy lại tự tin hơn khi thấy thầy nhớ tên mình. Nhưng sao không thấy thầy nói tiếng Pháp?

 

“Tôi biết em nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập”.

 

“Dạ”.

 

“Nhưng em chưa bao giờ đạt điểm tốt môn nói cả?”.

 

“Dạ, em biết, nhưng thưa thầy… khó quá ạ”.

 

“Em cần nỗ lực và tự tin hơn nữa”.

 

“Dạ, em sẽ cố gắng hết sức”.

 

“Lần này tôi cho em 7 điểm với hy vọng em sẽ tự tin hơn trong quá trình học tập”.

 

“Em cảm ơn thầy”.

 

“Tối nay tôi có việc quan trọng muốn nhờ em, 7 giờ em xuốnng căng-tin gặp tôi. Thôi hết giờ rồi, em ra đi”.

 

“Vâng, em chào thầy ạ”.

 

Ra khỏi phòng thi, Quyết thấy thật may mắn khi gặp thầy chứ không thì không biết có qua nổi kỳ thi này hay không. Nhưng không hiểu thầy định nhờ mình việc gì nhỉ?

 

Bảy giờ Quyết có mặt ngồi đợi thầy như đã hẹn, cố ráp các chi tiết về thầy: Thầy rất hiền, tận tụy với nghề, được lòng tất cả những sinh viên theo học. Thầy sống một mình, vợ thầy mất khi còn rất trẻ vì một cơn bạo bệnh… Đang miên man suy nghĩ thì thầy đến. Thầy ăn mặc trẻ trung hơn, dường như che giấu được vết hằn của thời gian trên gương măt một nhà giáo yêu nghề.

 

“Em chào thầy ạ”.

 

“Chào em, em đến lâu chưa?”.

 

“Em cũng vừa mới đến ạ”.

 

“Hôm nay tôi hẹn em ra đây không phải vì mục đích công việc hay học tập gì, tôi chỉ muốn tìm lại một chút kỷ niệm thời xa xưa, một thời mà…”

 

“Em không hiểu, nhưng nếu điều đó làm thầy vui thì em cũng rất vui ạ”. 

 

… 

 

Câu chuyện cứ thế diễn ra, tất cả các kỷ niệm về người vợ thân thương, về cuộc đời nhiều bước ngoặt của thầy cứ thế ùa về. Rồi lúc nào không hay, cả hai thầy trò như đang sống cùng những ký ức của năm tháng, cho đến khi mắt cô sinh viên bé nhỏ ngân ngấn nước.

 

“Em rất giống vợ tôi, người con gái duy nhất tôi yêu; em là hiện thân của tình yêu mà tôi nâng niu suốt cuộc đời này.”

 

“…”

 

“Suốt hai năm qua tôi còn đứng vững và tiếp tục giảng dạy là nhờ được nhìn thấy bóng dáng em mỗi ngày”.

 

Quyết không hiểu đây là tâm sự của thầy hay là một lời tỏ tình của một người đàn ông dành cho mình. Chỉ biết rằng cô thấy thương thầy. Cô không ngờ rằng một giáo sư đáng kính như vậy mà phải sống một cuộc sống thiếu thốn tình cảm và vẫn cô đơn khi tuổi già đang đến. Cô chẳng biết phải làm gì để thầy được vui vẻ hạnh phúc mà mình không mắc lỗi với người yêu đang công tác tận ngoài hải đảo xa xôi.

 

Vẫn biết tình yêu không bao giờ có lỗi. Trái tim luôn có lí do riêng của nó. Nhưng tình yêu sẽ trôi về đâu khi chỉ một trái tim lạc nhịp? Cầu mong cho cuộc đời này, mọi trái tim sẽ trôi về với trái tim để không còn những tình yêu không bến đỗ.

 

Thanh Phong