Thành đạt hay hạnh phúc?

Có những người phụ nữ cực kỳ thành đạt, nhưng hạnh phúc không mỉm cười với họ. Phải chăng họ không thể vượt qua được quy luật "được cái này, phải chịu mất cái kia"?

Tài hoa, phận bạc?

 

Câu chuyện rất đau lòng của chị B.L, một trí thức nhiều bằng cấp, một chuyên viên kinh tế, một nhà nghiên cứu nhưng từng phải vào nằm viện vì chồng bạo hành.

 

Sau gần 10 năm vợ chồng chung sống, chị cũng chưa tìm ra lý do tại sao ông xã chị lại căm ghét, lạnh nhạt với vợ. Anh ta thường về nhà vào lúc nửa đêm, khi đã "quá đã" với bạn bè ở các quán nhậu, khi thân xác đã rã rời, oặt oẹo. Anh không giấu giếm chuyện qua đêm vui vẻ với các cô gái lạ. Anh ta cũng có địa vị, có thu nhập, nào có phải thua kém gì vợ, nhưng tại sao mỗi thành công của vợ anh đều dè bỉu, xem thường?

 

Do chị không biết cách chiều chồng, hay chồng chị không thích vợ chiều? Chị cũng không rõ.

 

Nhưng cũng có những ông chồng tự nhiên "dở chứng" mà ai cũng hiểu vì sao, chỉ có bà vợ không hiểu. Giám đốc một công ty du lịch cỡ bự có trụ sở chính ở TPHCM, và nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành, bà Nguyễn. M.H, luôn là người có nhiều sáng tạo trong cách làm "vui lòng khách đến, lưu luyến khách đi", nhưng về nhà bà "tối thui" trong việc làm đẹp lòng ông xã.

 

Đối với ông, bà không phải là vợ, mà là một người có khả năng đẻ ra con, và làm ra tiền. Vì thế, ông hay nói với bạn bè ông chưa có gia đình. Ông quá ngán ngẩm cảnh ông ngồi ăn cơm với... bà mẹ vợ, thức ăn toàn loại 1 ở siêu thị nhưng ông nuốt không trôi.

 

Vợ càng giỏi giang, nổi tiếng, ông càng thấy mình bất tài, vô duyên, không làm nổi trụ cột trong gia đình, phải đành để vợ xông pha thương trường. Buồn quá, ông chán đời bỏ công việc ít lương ở một nhà văn hóa. Bà vợ "bao cấp" luôn cho chồng chẳng một lời thở than, nhưng ông than thở nhiều hơn.

 

Trong nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, mà ông có cảm giác "sống mòn". Bà vợ về đến nhà, nhìn ông chồng héo queo, chỉ muốn quay lại công ty. Bà nuốt nước mắt vào trong khi có chồng mà buồn vui không chia sẻ được với chồng. Bà ngậm ngùi nhận ra mình thuộc vào trường phái "người giàu cũng khóc".

 

Không biết mình là ai?

 

Tòa án quận 1, TPHCM, vừa xử vụ ly hôn, mà nguyên đơn là một ông chồng còn khá trẻ. Vị thẩm phán cố hòa giải vì giữa vợ chồng họ chẳng có mâu thuẫn gì trầm trọng.

 

Nhưng ông chồng kiên nhẫn trình bày: "Tôi công tác tại một công ty sản xuất hàng điện gia dụng. Sếp của tôi là một nữ giám đốc đầy quyết đoán, bản lĩnh và khá nóng nảy. Chiều theo ý sếp là điều tất nhiên, cốt để cho công việc trôi chảy.

 

Đến khi về đến nhà, tôi không còn hơi sức đâu để phục tùng "lệnh" của vợ. Bà xã tôi là một chủ nhiệm khoa của một trường Đại học, được mọi người ngợi ca với các mỹ từ: sắc sảo, thông minh, nhạy cảm... Lúc đầu, để vui lòng bà xã, tôi răm rắp thực hiện mọi ý kiến của cô ấy.

 

Nhưng cô ấy lại coi tôi như một "nô tài", để sai khiến và la mắng. Những lúc nổi giận, cô ấy thẳng thừng nói tôi... không tương xứng với cô ấy, không bằng những người đàn ông mà cô quen biết. Rõ ràng là cô ấy đã coi thường tôi, thì làm gì còn yêu thương tôi. Tôi biết mình thua cô ấy, nên thôi đành ra đi. Để cô ấy có cơ hội tìm người đàn ông hơn cô ấy vài cái đầu".

 

Không chỉ ông chồng, mà cả gia đình ông Trần Khang (phường 21, Bình Thạnh)... ớn lạnh "bà" con dâu oai phong như một bà tướng trong nhà. Với chức vụ Phó tổng giám đốc công ty địa ốc, bà xã ông ngay cả dịp tết cũng chẳng có thời gian đi thăm họ hàng bà con nhà chồng.

 

Ai thắc mắc, bà thở phào: "Lo cho đủ đầy vật chất cho cả gia đình hai bên nội ngoại mới là chuyện khó, chứ thăm hỏi qua lại thì quá dễ dàng, ai trách thì tôi chịu, đi làm suốt chứ có được rảnh rang đâu". Dần dần, người thân của ông chồng ít tới lui nhà ông, họ sợ vợ ông hiểu lầm, họ muốn cậy bà giúp đỡ.

 

Lý do

 

Có ba nguyên nhân từ phía người phụ nữ. Các bà đã dành quá nhiều thời gian cho sự nghiệp, việc nhà dần phó mặc cho người giúp viêc. Thói thường, cái gì bị bỏ bê thường dễ mất đi. Gia đình không được chăm sóc, sẽ trở thành nơi lạnh lẽo, hoang tàn. Không chỉ ông chồng trở nên "trái nết" mà tệ hơn, không có mặt bà mẹ ở nhà, những đứa con thiếu đi sự giáo dục "có đầu, có đuôi". Đó mới là cái mất... to nhất.

 

Nguyên nhân thứ hai, các bà vợ thành đạt thường giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm, giàu kiến thức... nên hay có tính quyết đoán. Khi nắm kinh tế gia đình, các bà hay kiêm luôn vai trò làm chủ. Khổ thay, tính tự tôn của các bà vợ thành đạt lại tỷ lệ thuận với sự tự ti của các ông chồng. Điều đó làm họ dần dần không có tiếng nói chung, không cùng đồng cảm.

 

Nguyên nhân thứ ba, ở một số các bà vợ thành đạt, đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng ngoài xã hội, sự mềm mại, nữ tính đã "bay đi ít nhiều". Hành vi cư xử của họ bị... "đàn ông hóa". Những câu nói âu yếm với ông xã thưa dần, và trong nhà mất đi một người đàn bà.

 

Và có một nguyên nhân từ phía các ông chồng. Dẫu xã hội đã sang một thời kỳ mới, nhưng ý thức hệ phong kiến vẫn "lưu trữ" trong tư tưởng của các ông. Các ông luôn vui lòng lấy một cô vợ thua mình xa lắc, chứ không muốn "đội mái nhà chung" với một bà vợ cao hơn mình. Họ dễ bị tổn thương trước "nanh vuốt" của một bà vợ thành đạt, họ chưa quen với kiểu "của vợ, công chồng". Điều này làm hạn chế rất nhiều thành công của các bà vợ trong nỗ lực xây dựng hạnh phúc gia đình.

 

Theo Đẹp