Tham chồng “nhà mặt phố”...

(Dân trí) - Khi Loan nhất quyết đòi cưới Chí, mẹ cô khóc vật vã, chạy khắp nơi nhờ họ hàng khuyên nhủ. Bà sợ con mình khổ. “Gia đình thằng ấy được mỗi cái nhà to, còn óc đứa nào đứa nấy một dúm bằng hạt nho...”.

“… Nhà rặt một lũ bà cô, có ba anh em trai thì chửi nhau, đánh nhau như người dưng nước lã. Cái thằng ấy cũng sáng chiều lông bông, chả hiểu làm sao con nhà mình lại lăn lóc”.

 

Loan nói cứ tỉnh rụi: “Mẹ chẳng có tầm nhìn xa gì cả. Con khắc biết tính toán để tự lo cho mình”. Thế rồi đám cưới diễn ra, Loan về làm dâu nhà ấy.
 
Tham chồng “nhà mặt phố”... - 1


Hai năm sau thì bố Chí hấp hối, ông di chúc lại mảnh đất nằm ở vị trí gần chợ, đắc địa nhất nhì thành phố cho ba anh con trai với điều kiện phải ở đó, lấy chỗ hương hoả tổ tiên. Chí là con cả được phần rộng hơn một chút.

 

Khỏi phải nói Loan khấp khởi mừng thầm ra sao, chí ít thì đây cũng là mục tiêu mà cô lấy Chí. Nhưng Loan chưa mở cờ trong bụng được bao lâu thì được biết nếu bán phải được sự đồng ý của tất cả năm bà chị và chia sao cho công bằng. Loan thể hiện là một người biết suy tính nên xúi chồng xây nhà cao cửa rộng cho người ta thuê tầng một hoặc lấy chỗ tự mình buôn bán, dù trong tay họ khi đó không có một đồng để dành.

 

Ba anh em luôn hục hặc, cắn xé nhau, nay cũng biết cùng ngồi lại, bàn tính xây nhà sao cho đẹp và đỡ lãng phí. Vậy là chỉ một năm sau ngôi nhà to lớn nhất phố, bốn tầng cao nghễu nghện mọc lên khiến người đi đường không khỏi ngước mắt nhìn mỏi cổ. Và mọi người càng được phen “hết hồn” khi biết toàn bộ số tiền để xây nhà Loan Chí vay ngân hàng và cả vay “nóng”, do họ quán triệt với nhau: “Đã không làm thì thôi, mất công thì phải xây thật hoành tráng”.

 

Hai đứa em Chí còn có nghề hái ra tiền là lái xe, đi buôn và có đầu óc kinh doanh bất động sản nên việc xây nhà không hề hấn gì đến họ. Còn vợ chồng Loan “tay không bắt giặc” lại ưa sỹ diện nên cũng cố kiết vay kỳ được để “bằng anh bằng em”. Oai được khoảng hai năm thì bắt đầu toát mồ hôi hột.

 

Sẵn mặt phố gần chợ Loan bàn với chồng không cho thuê nữa mà về tự mình mở quán ăn sáng. Nghe thiên hạ đồn kiếm được lắm, lại có vẻ nhàn. Chí liền vứt hết dụng cụ nghề xây, về phụ giúp vợ.

 

Nhưng bản tính Loan vụng về, dờ dệt, khách đến đông làm chẳng kịp cho họ ăn, cà cuống lên còn nhầm nhỡ linh tinh cả. Khách ghé thăm thưa dần, sau nửa năm bán tính ra còn bị lỗ.

 

Không còn chỗ nào để vay, ngân hàng thì thúc nợ, vợ chồng Loan sợ hãi mất tất đành bàn với hai em bán nhà.

 

Có đứa không đồng ý vì sợ phải chia cho mấy bà chị nhưng rồi một tên đi buôn hàng Tàu, vỡ nợ cùng dịp ấy nên đồng tình với phương án kia.

 

Một hiệu vàng lớn nhất thành phố đã nhanh chóng chi ra 3,3 tỷ đồng để mua căn nhà đẹp, toạ lạc giữa phố đông này. Cuộc chia chác giữa nội bộ gia đình chiểu theo di chúc của bố được tiến hành. Mỗi bà con gái được hai trăm triệu, tổng năm bà hết một tỷ. “Để thì giàu chia nhau thì khó”. Sau khi trừ hết nợ nần, vợ chồng Loan thu về chỉ còn ba trăm triệu, vừa đủ mua một mảnh đất con con trong ngõ nhỏ, dựng lên đó một căn nhà.

 

Hai vợ chồng lại trở về với nghề bán rau và thợ xây. Khó khăn như xưa, nay thay vì gây gổ với mấy thằng em, Chí quay ra “cắn” vợ. Giấc mơ đổi đời đã đi tong chỉ trong vòng một năm. Kế hoạch trở thành một phu nhân giàu có, sung sướng, nhà mặt phố, tiền nhiều của Loan đã trở thành sương khói.

 

Thế mới hay nằm trên một đống vàng mà không biết tính toán thì cũng chỉ như xây nhà trên cát. Và sự toan tính cho một cuộc hôn nhân không dựa trên tình yêu rốt cuộc cũng chỉ được đến vậy!

 

TSL