Tết - sự trở lại của lịch âm

(Dân trí) - Hà Nội 26 Tết (ngày 18/1/2012). Bà nội nói: “Không biết năm nay hai mấy thì chúng nó về được? Chưa thấy đứa nào báo cả!”.

“Năm nay chắc mọi người về sớm bà ạ, tháng này chỉ có 29 ngày, nên là 30 Tết luôn., bọn cháu 26 đã được nghỉ rồi xong đến tận mùng 8 mới phải đi học lại.” Đứa cháu gái kể…

Tết - sự trở lại của lịch âm - 1
Chẳng mấy người nhớ lịch dương trong những ngày Tết Nguyên Đán

Thật lạ mà không lạ! Rất tự nhiên, người dân Việt chúng ta, từ người già, trẻ nhỏ, từ dân quê đến thành thị, từ người công chức đến bác lái xe, v.v đến khoảng thời gian này là như bản năng, nói chuyện và sử dụng về thời gian theo lịch âm! Không có thống kê nhưng chắc cũng phải 80% mọi người giao tiếp về thời gian theo lịch âm, thậm chí trong công việc, ngoài ghi thời gian lịch Dương, có người còn chú thích lịch Âm bên dưới.

Cũng không xác định được khi bắt đầu và khi kết thúc nhưng cứ không khí Tết về là người người, nhà nhà giao tiếp bằng lịch Âm. Trong năm, tuy ngày mùng một, ngày rằm, hay các ngày giỗ chạp của các gia đình sẽ tham chiếu lịch Âm, nhưng công việc hằng ngày cuốn đi, làm cho họ phải kiểm tra mới biết đến hẹn của ngày đó theo lịch Âm. Nhưng Tết về, chẳng ai bảo ai, tự nhiên lịch Âm soán chỗ lịch Dương, muốn biết ngày Dương lịch thời gian này, mọi người phải kiểm tra. Rồi cũng như khi nó đến, việc trở lại lịch Dương không phải chỉ do công việc trở lại, mà cả do Tết đã qua những ngày sử dụng lịch Âm cũng tự nhiên đi qua.

Có lẽ cũng không khó để giải thích việc này, vì mật độ các sự kiện theo lịch Âm rất dày từ trước khi Tết đến như Rằm tháng Chạp, Tết ông Công ông Táo, các phiên chợ Tết, v.v. công việc chiếm nhiều thời gian của mọi người là chuẩn bị cho các sự kiện liên tiếp theo lịch Âm. Mỗi sự kiện đến, mọi người phải chuẩn bị từ trước rất lâu như từ việc mua cá tiễn ông Táo, mua nguyên vật liệu chuẩn bị và chọn ngày nấu bánh chưng, chuẩn bị cỗ cúng Tất niên, gia tiên, đêm giao thừa, chọn ngày đi sêu ông bà Nhạc, v.v tất cả gắn vào đầu mọi người là theo lịch Âm.

Và các sự kiện lễ hội suốt tháng Hai, tháng Ba trên khắp mọi miền làm cho mọi người dễ nhớ hơn thời gian theo lịch Âm, hơn nữa, cũng là kỳ nghỉ nên các công việc, các sự kiện theo lịch Dương cũng dần ít đi và đến mức mọi người quên đi được cả lịch Dương! Không chỉ các sự kiện văn hóa xưa, các sự kiện mới cũng thường được hẹn nhau bằng lịch Âm như hội lớp, hội trường, họp đồng hương, mừng thọ, các chuyến du Xuân…

Có giải thích được hay không, đúng hay sai, thì chúng ta cũng nhận thấy cho dù xã hội ngày càng phát triển, đất nước mở cửa, văn hóa hội nhập thì bản sắc dân tộc Việt vẫn còn nguyên giá trị của nó, mỗi người con dân Việt vẫn hướng về cội nguồn vẫn giữ gìn nếp văn hóa cha ông. Chúng ta tự hào vì điều đó, trong khi chứng kiến một số quốc gia Phương đông đang dần dần chuyển sự kiện cuối năm của mình sang Tết Dương lịch hay theo Noel, chúng ta, Việt nam vẫn duy trì bản sắc, tín ngưỡng văn hóa của mình. Những gì trong sâu thẳm, trong bản năng của mình tồn tại như hồn của Dân tộc.

“Bà đang làm gì đấy?” - đứa cháu hỏi - “Anh chị mày không ở lại được đến Rằm, mùng 8 chúng nó lên đi học rồi, bà chuẩn bị bánh cho chúng nó mang đi!” - Bà trả lời. - “Rồi đến tận Hè, tháng Tám chúng nó mới được về đấy…” Lịch Dương đang dần trở lại!

Đặng Vân Phúc