Tết nhà mình chẳng bằng người ta

(Dân trí) - Ra trường, cuộc sống càng trở nên khó khăn với tôi. Những lúc nghĩ về mẹ cảm giác xót xa, tội lỗi xen lẫn buồn tủi trào lên trong tôi chảy tràn theo những giọt nước mắt. Có lẽ sẽ lại một cái tết nữa tôi trở về nhà với hai bàn tay trắng.

 
Tết nhà mình chẳng bằng người ta


Nhà có ba chị em nhưng mọi việc trong nhà đều đặt lên vai mẹ. Sau khi bố mất, tưởng đâu chị em tôi sẽ phải dở dang việc học nhưng mẹ quyết tâm “không để các con phải suốt đời cắm mặt xuống đất như mẹ”. Chẳng phụ công mẹ chị em tôi lần lượt vào đại học.
 

Cũng như những sinh viên nghèo khác tôi cố gắng tìm công việc làm thêm để đỡ đần mẹ phần nào. Nhưng số tôi lận đận không gặp phải kẻ gian lừa đảo thì cũng gặp người quỵt tiền. Vừa mất công sức lại mất tiền tôi ấm ức gọi điện về cho mẹ khóc nức nở. Mẹ bảo: “tiền con phải kiếm cả đời nhưng bây giờ mẹ chỉ cần con tập trung vào học, mọi thứ khác cứ để mẹ lo”.

 

Nghe lời mẹ bốn năm đại học của tôi cũng kết thúc trong yên bình. Nhưng mỗi năm về quê ăn tết, ngồi trên xe buýt thấy người người lỉnh kỉnh đủ các loại hoa quả, quà bánh mang về tôi chỉ biết nép vào một góc thở dài.

 

Ra trường tôi lại lao đao đi tìm việc chỉ hi vọng có được một công việc ổn định lương tháng đủ nuôi hai chị em ăn ở và có thể dư dả một chút để cuối năm thay mẹ sắm sửa một cái tết ấm cúng, đầy đủ hơn. Chẳng ngờ đâu đã hai tháng nay công ty không trả lương cho nhân viên. Nếu là ngày xưa có lẽ tôi đã gọi điện về cho mẹ khóc ngon lành nhưng bây giờ tôi không thể cứ mãi khiến mẹ lo lắng.

 

Hai bảy tết, công ty cho nhân viên nghỉ, tôi cùng em gái đón xe buýt về quê. Vừa nhìn thấy mẹ nước mắt tôi đã chảy tràn trên má. Trong nhà khói hương nghi ngút. Trên bàn thờ mâm ngũ quả, lọ hoa tươi, bánh kẹo đã đầy đủ khiến tôi ngạc nhiên. Vậy mà tôi còn dự định sẽ tự tay dọn nhà, mua hoa, kết đèn chuẩn bị tết giúp mẹ. Mẹ cười nói: “Năm nào mấy đứa cũng bảo mẹ keo kiệt, tết nhà mình chẳng bằng người ta. Năm nay thì bằng rồi đấy”.

 

Nghe mẹ nói cổ họng tôi tắc nghẹn. Tôi run run rút từ trong túi chiếc phong bì gập tư nhẹ nhàng đặt vào tay mẹ: “Không phải chúng con nói mẹ keo kiệt, chúng con chỉ không muốn mẹ nhịn ăn nhịn mặc để nhường cho chúng con thôi”.

 

Tất cả tiền lương, tiền thưởng tết tôi đưa cho mẹ, mẹ chẳng động đến một đồng nào. Mẹ bảo mẹ giữ giùm cho tôi đến khi lấy chồng. Vừa đau lòng vừa giận mẹ, nhưng tôi nghiệm ra một điều rằng, với mẹ dù tôi có trở về với một chiếc phong bì dày cộm hay chỉ là đôi bàn tay trắng thì điều mẹ mong muốn là gia đình được bình an, sum họp bên nhau đón năm mới ấm cúng. Đó mới thực sự là điều mẹ quan tâm.

 

Hương Hồng