“Tết này, không rượu, cũng không bia”

(Dân trí) - Mọi năm, mỗi khi tết gần kề, lúc nào vợ cũng ngồi làm tư tưởng nguyên một buổi tối với chủ đề “tết này, anh đừng có say sưa suốt ngày được không?”. Năm nào mình cũng hứa, và rồi năm nào mình cũng say. Tết mà, chả mấy khi ngồi cùng anh em, họ hàng, bạn bè lâu ngày gặp lại, tình sao thắm tươi nếu chén rượu không đầy.

“Tết này, không rượu, cũng không bia” - 1

Mà chẳng đợi gì phải tết, tầm ngày 20 tháng Chạp là đã bắt đầu tất niên đủ kiểu rồi. Những ngày cuối năm bận rộn, nhà bao việc phải lo, cứ nghe ai mời tất niên là vợ thở dài, cứ nghe thấy chồng bảo đi tất niên là chán hẳn. Vì vợ biết trước đã đi là thể nào cũng về trong chếnh choáng men say. Vì vợ phải lo lắng cho đến khi nghe tiếng xe dừng trước cổng mới có thể thở phào.

Vợ tôi luôn trách tôi ham vui không biết điểm dừng. Tôi nói anh em có khi cả năm mới ngồi được với nhau, không uống không được. Vợ tôi lại nói: “Anh không uống được thì thôi, người ta đè anh ra đổ rượu vào mồm anh chắc”. Tranh luận với vợ chuyện này, thực sự chưa bao giờ có hồi kết thỏa mãn cho cả hai.

Thật ra thì, đối với đàn ông, có nhiều chuyện phụ nữ không hiểu được. Không phải không biết tửu lượng của mình, cũng không phải không biết mệt, không lo sợ này kia. Chỉ là mỗi năm được dịp tết, được dịp tất niên anh em, bè bạn gặp nhau. Mỗi câu chuyện là một lý do để nâng ly chúc tụng. Người ta mời mình không uống thì người ta nói mình coi thường, không nể mặt. Nếu chỉ vì mình từ chối một chén rượu mà anh em mất vui thì không nỡ. Rồi còn tết về quê nội quê ngoại, đi mỗi nhà một chút, gia chủ rót ra chén rượu uống mừng xuân, lẽ nào không uống? Mà họ hàng thì gần nửa làng nửa xóm, mỗi nhà một chén cũng say lúy túy rồi. Thành ra mang tiếng về quê ăn tết nhưng có ăn được gì đâu, cứ rượu say thì nằm li bì, tỉnh dậy đã thấy hết ngày hết tết.

Cái hôm Nghị định 100 về thổi phạt nồng độ cồn ra đời, vợ tôi vui như trẻ được quà. Cô ấy bảo “Luật ấy bây giờ mới ra là hơi muộn. Cấm rượu bia, cấm triệt để, uống một giọt cũng không cho lái xe, để xem các ông còn dám “không say không về” nữa không, để xem còn ông nào dám hỏi vợ “Hôm qua sao anh lái xe về được nhà ấy nhỉ”.

Tôi dù không nói (vì nói ra hóa ra lại công nhận bao lâu nay vợ mình đúng, mình vặn vẹo vợ “nam vô tửu như cờ vô phong” là sai) nhưng trong lòng tôi cũng có chút nhẹ nhõm. Bia rượu lắm, mệt mỏi, mất sức chứ có được gì đâu. Đặc biệt ba ngày tết về quê thăm bà con họ hàng bên ngoại, dăm chén rượu vào rồi, gặp người quen cũng lơ mơ không nhớ ra ai mà chào, khiến vợ phải “nhắc bài”, xong tỉnh lại nghe vợ trách hờn, rất mệt.

Hôm qua, sau khi đi tất niên ở công ty. Trước khi vào tiệc, sếp tuyên bố: “Đồng chí nào đi đôi thì một người uống bia, một người nhịn. Ai có người nhà đến chở, uống tẹt ga. Còn ai một mình một xe thì uống nước ngọt nhé. Vì một cái tết đến gần an toàn, khỏe mạnh, nhất là không mất tiền một cách không đáng”. Đó là lần đầu tiên tôi ngồi với cánh đàn ông, tay cầm lon nước ngọt mà không bị ai mỉa mai khích bác. Và tôi nhận thấy, nước ngọt thực sự dễ uống hơn rượu bia, các bác ạ.

Tôi đang hình dung tết năm nay về quê sẽ không phải ê hề trong những cuộc rượu chén chú chén anh nữa, sẽ không đi bộ trong làng mà cũng lòng vòng lạc lối, sẽ không “rời nhà quần áo phẳng phiu mà khi về thì tà trong tà ngoài hệt như vừa đánh trận” như mô tả của vợ tôi nữa.

Tết năm nay, nhất định sẽ luôn trong tình trạng bảnh bao đẹp trai, tay dắt đứa lớn, tay bế đứa bé cùng vợ đi chúc tết họ hàng. Tôi vẫn nhớ cái câu vợ thường hay nói mọi năm: “Rốt cuộc anh về quê thăm bố mẹ, họ hàng hay là về quê để uống rượu thế?”. Câu nói ấy, năm nay tôi sẽ cho nó trở thành câu nói của lịch sử. Vợ tôi chắc chắn sẽ rất vui.

Hoàng Phương