Sống thử cũng có… bạo lực

(Dân trí) - “Họ cùng gánh vác và dựng xây tổ ấm sinh viên, cùng nếm trải mùi vị của cuộc sống gia đình. Nhưng những tháng ngày ngọt ngào của tuần trăng mật ấy đã sớm bị những con sóng mâu thuẫn và bạo lực cuốn đi”.

Yêu nhau đã hơn 2 năm, Vinh và Hường quyết định sống thử để công khai mối quan  hệ và chuẩn bị cho thời kì “hậu sinh viên”. Cuộc sống “góp gạo thổi cơm chung” đã phần nào thắt chặt sợi dây tình cảm giữa hai người để chung tay chèo chống mái ấm trong những ngày xa quê. Nhưng cuộc sống gia đình êm đẹp ấy chỉ diễn ra rất ngắn ngủi và bắt đầu có những vết rạn nứt.

 

Những mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống đã làm căng thẳng mối quan hệ “tạm bợ “này. Không ít lần Hường đã phải khóc tức tưởi vì tính nóng như lửa của Vinh. Chiến tranh lạnh đã nhiều lần xảy ra nhưng Hường vẫn hy vọng vớt vát cuộc tình nhiều nước mắt bằng những lời xin lỗi và ôm lấy trách nhiệm về mình...

 

Những “trận chiến thượng cẳng chân hạ cẳng tay”

 

Khi những lời nói, những lời giải thích đã không còn tác dụng để xoa dịu mối quan hệ trong mái ấm sinh viên thì bạo lực lên ngôi. Những bực nhọc và chán chường về cuộc sống vồn nhiều bế tắc đã làm nảy sinh nhiều “trận chiến thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. H T.H (SV năm 3 trường ĐHKH ) tâm sự: “Chúng tôi mới sống với nhau được hai tháng mà đã luôn xảy ra cãi vã. Anh ấy ngày càng trở nên ỷ lại và lười nhác. Tôi phải lo toan mọi thứ cho cuộc sống, còn anh ấy chỉ biết đòi hỏi và đòi hỏi. 2 ngày trước, anh ấy còn đánh tôi và điều đó làm tôi hết sức xấu hổ và tủi nhục  nhưng đã lỡ sống chung với nhau nên...”.

 

Những quyết định và lựa chọn vội vàng trong tình yêu và cuộc sống cũng đã làm cho tổ ấm của Thăng và Trang “liêu xiêu”. Hai người yêu nhau và quyết định sống chung trong một thời gian ngắn ngủi chưa đầy 5 tháng. Tưởng như thời gian ấy đã đủ để họ hiểu nhau và tiến tới sống hoà thuận dưới một mái nhà. Nhưng hai tháng dịu êm đã nhanh chóng trôi qua nhường chỗ cho những tháng ngày dữ dội ập đến.

 

Thăng ngày một độc đoán và gia trưởng trong khi Trang lại muốn bình đẳng và không chịu gò ép. Hai thái cực tồn tại trong một căn nhà tạm nhỏ bé đã làm cho không khí trở nên căng thẳng và những “trận chiến chân tay” là không thể tránh khỏi. Thăng đã thẳng tay đánh đập và dùng những lời lẽ xúc phạm Trang. Những cái tát nảy lửa in dấu bàn tay lên mặt đã làm Trang không dám đến lớp học. Những lúc như thế cô chỉ biết khóc và lòng lại quặn lên một dấu hỏi: “Vì đâu đổi thay khi Thăng đã có một thời yêu cô say đắm?”

 

“Ly thân” là xong?

 

Nhiều cặp đôi sau một thời gian sống chung đã “ly thân”, mỗi người một ngả và mang theo những vết thương lòng.

 

C và N là một đôi khá hoàn hảo nhưng sau một năm chung sống, đôi tình nhân ngày nào giờ coi nhau như kẻ thù. Cuộc sống không tránh khỏi những va chạm và xung đột nhưng hai người đã không biết cách hàn gắn vết nứt ấy mà cứ để nó ngày càng lan rộng.

 

Những lúc hai đứa giận nhau, C lại tìm đến với rượu để quên đi nỗi sầu muộn và trong cơn say khướt, C lại giở thói côn đồ đánh đập N thậm tệ. Đã nhiều lần như thế nhưng N vẫn bỏ qua và cam chịu nhẫn nhục. Nhưng thân gái yếu đuối không chịu nổi những trận đòn vô cớ và áp lực tâm lý đè nặng, N ngày một gầy đi và bắt đầu đổ bệnh. C đã bỏ rơi N trong những ngày cô cần C nhất. “Nuốt nước mắt vào trong”, N đã gượng dậy để bước tiếp con đường học hành và quyết tâm làm lại từ đầu. Nhưng trong trái tim cô giờ đây chỉ còn sự uất hận với kẻ phụ tình bạc bẽo.

 

Sống thử luôn là một đề tài nhiều tranh cãi nhưng bạo lực trong sống thử luôn khiến nạn nhân của nó phải đau đớn, khó có thể nguôi ngoai. Nó làm cho tâm lý những người trong cuộc trở nên căng thẳng và chán chường. Không ít người đã nghĩ đến cái chết để kết thúc cuộc tình bi đát. Công việc học tập cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi gánh nặng “gia đình”. Con đường học hành đã trở nên mờ mịt với H (một sinh viên khoa hoá trường ĐHSP Huế) khi cô phải liên tiếp thi lại và học lại nhiều môn.

 

Chính tâm trạng phải lo lắng cho cái gia đình nhỏ bé mong manh và mệt mỏi chán chường sau những cuộc cãi vã là nguyên nhân của mọi chuyện. H đã từng là một thủ khoa và có kết quả học tập mỹ mãn trong hai năm đầu. Nhưng giờ đây, cô được gì sau một thời gian sống thử? Chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.

 

Không chỉ ảnh hưởng đến học tập mà bạo lực trong sống thử đã gây nên những vụ xì căng đan làm chấn động giảng đường. N là một trong số nhiều nạn nhân như thế, cô bị người “chồng thử” đánh đập và hành hạ đủ đường. Và sau cuộc tình bi xót ấy, N bị mọi người khinh rẻ và miệt thị, nhiều người nhìn cô bằng ánh mắt thương hại... Mỗi ngày đến trường, N phải đối mặt với những cái nhìn đầy nghi kị. “Tiếng dữ đồn xa”, bố mẹ N đã phải lặn lội  từ Thái Bình vào Huế để động viên con vượt qua nỗi đau.

 

Nguyễn Tấn Tài