Sinh con rồi mới cưới cha!

Nếu ngày trước, việc bị phát hiện “ăn cơm trước kẻng” là nỗi ô nhục cho gia đình hai bên, thì hiện tại nhiều cặp đôi xem chuyện có con trước khi kết hôn là điều kiện cần và đủ cho một hôn nhân vững bền! Suy nghĩ này bắt nguồn từ đâu?

 

Muốn con nâng váy mẹ trong ngày cưới


 

Muốn con nâng váy mẹ trong ngày cưới

 

Minh Hy, 27 tuổi, nhân viên truyền thông, tuyên bố thẳng thừng với bạn bè trong ngày ra mắt người yêu: “Ba năm nữa bọn tớ sẽ cưới, nhưng sang năm hai đứa sẽ sinh em bé”.

 

Bạn bè ai cũng há hốc miệng, kẻ hoan nghênh, người lắc đầu cho rằng đó chỉ là câu nói đùa. Nhưng Ái Nguyệt, bạn gái Minh Hy thì khẳng định hai người đã lên kế hoạch như vậy: “Khi ra mắt gia đình hai bên, bọn tớ nói ra điều đó thì bị ông bà phản bác dữ dội. Bố mẹ cả hai tìm cách ly gián, không cho hai đứa ở chung, mặc dù chúng tớ đã thuyết phục đến rã họng”.

 

Bạn bè hỏi vì đâu mà Nguyệt và Hy cùng chung suy nghĩ sinh con rồi mới tính chuyện cưới xin, Hy tâm sự: “Hai đứa đều thích em bé, muốn đám cưới của mình là... hàng độc vì có con cái tham dự, như vậy tình yêu sẽ thăng hoa! Tất nhiên, khi sinh con rồi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy chúng, nhưng không sao, lường trước được khó khăn thì sẽ vượt qua được thôi. Thời đại bây giờ nhiều người nghĩ giống mình lắm, thoáng hơn ngày xưa nhiều”.

 

Chẳng biết những khó khăn mà Hy – Nguyệt đã “lường trước” trong kế hoạch kia, liệu họ có vượt qua nổi?

 

Lấy đứa trẻ làm tấm vé hôn nhân

 

“Cưới là chuyện nhỏ, sinh con mới là chuyện lớn; trong tình trạng vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng, biết cô gái đó về nhà chồng có sinh được con hay không?”, từ suy nghĩ đó, đã có những bà mẹ ngay từ phút đầu con dâu tương lai ra mắt đã tuyên bố thẳng thừng: “Sinh con đi, rồi muốn làm đám cưới to chừng nào bố mẹ cũng chiều!”. Chính vì suy nghĩ của bà mẹ chồng tương lai như vậy nên Hà Anh, 29 tuổi khốn đốn vô cùng. Cô tâm sự: “Nhà người yêu tôi có hai anh em. Anh trai đầu lập gia đình, sống ở nước ngoài, đến giờ đã năm năm rồi chưa chịu sinh con. Mẹ chồng tương lai tôi nghi ngờ con dâu cả bị vô sinh, nên đến lượt chúng tôi, bà bắt buộc có con rồi mới cho cưới. Hai đứa tôi thuyết phục bà, nếu vậy thì cưới sớm rồi sinh cũng được. Bà nhất quyết không chịu, vì với bà, đứa bé là “tấm vé” quyết định chuyện có cưới hay không. Mà tôi thì chưa muốn có con lúc này, vì công việc, tài chính hai đứa chưa đâu vào đâu”.

 

Chuyện vô sinh đã và đang là nỗi ám ảnh lớn nhất trong đầu các bà mẹ chồng. Có lẽ họ không hiểu hoặc cố tình lờ đi nguyên nhân vô sinh phân nửa thuộc về người đàn ông. Có bà mẹ còn nghiệt hơn, yêu cầu con dâu tương lai phải sinh con trai để nối dõi tông đường, mới cho cưới! Có bà kèm theo suy nghĩ có vẻ tân thời: “Bây giờ tụi nó cưới nhau rồi chia tay một sớm một chiều, không ai cản được. Chi bằng khi tụi nó còn mặn nồng, ép tụi nó sinh con liền. Đó là sợi dây ràng buộc cả hai, vì con cái mà tụi nó lo giữ nhà cửa, chung thuỷ với nhau”.

 

Lắm toan tính, sẽ nhiều hệ luỵ

 

Trong những câu chuyện trên, rõ ràng tình thương dành cho đứa trẻ bị lu mờ trước những mục tiêu của người lớn. Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý, phó giám đốc công ty Kỹ Năng Sống (TPHCM) đưa ra ý kiến: “Có nhiều nguyên nhân khiến các cặp son trẻ và cả những bà mẹ chồng tương lai thúc ép sinh con trước khi cưới. Trong những nguyên do đó, vô sinh, hiếm muộn là yếu tố tác động lớn nhất. Tuy nhiên, người ta lại bỏ qua những hệ luỵ, thử thách mà đa phần sẽ gặp phải. Quan hệ và có con rồi cưới mới nghe có vẻ ổn, nhưng nếu không có đứa con như ý, chuyện cưới xin sẽ thế nào. Tương lai đứa con không như ý đó sẽ ra sao? Rồi bản thân người phụ nữ khi đã hiến dâng hết nhưng mãi chưa có con thì số phận thế nào: có giữ được tình yêu hay người đàn ông đi tìm bông hoa khác có khả năng đậu thành trái? Ngay cả trường hợp có con trước khi cưới, danh không chính thì đứa con đó có được chuẩn bị tốt nhất để ra đời? Khoa học đã chứng minh những em bé được cha mẹ chuẩn bị chu đáo, dạy từ trong thai, người mẹ hạnh phúc, sẽ thành người tốt đẹp sau này. Vậy những đứa bé sinh ra khi mẹ nó chưa yên tâm về một gia đình ổn định, sao có ảnh hưởng tốt được? Sự toan tính là một suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng xấu đến quá trình mang thai. Dạy con từ trong thai rất hệ trọng.

 

Vì vậy, tôi không ủng hộ xu hướng này, các bạn trẻ muốn có một gia đình ổn định cần xác định đến với nhau thực sự vì tình yêu, và đám cưới là sự ghi nhận tình yêu đích thực đó. Con cái là kết quả của tình yêu, ai lấy nhau cũng mong sinh con đẻ cái, nhưng không phải ai cũng đạt được ý nguyện. Vô sinh có rất nhiều nguyên nhân, và hiện y học đã có thể giúp sinh con bằng cách thụ tinh nhân tạo”.

 

Theo Nguyên Cao

Sài Gòn tiếp thị