Sang vì vợ

(Dân trí) - Anh biết gia đình giờ đang gặp khó khăn…Thảo chi li chắt bóp, so đo tính toán thế cũng vì gia đình vì hoàn cảnh. Nhưng đã nhiều lần anh nói với Thảo rằng ngoài gia đình ra chúng ta ai cũng có các mối quan hệ khác…

- “Bà xã ơi, vẫn chưa chuẩn bị phong bì cho anh à? Anh muộn rồi nè”, Tuấn hỏi vợ khi anh đã tắm rửa, quần áo chỉnh tề.

 

Thấy Thảo mặt lầm lì nặng trịch bê bát đi rửa, anh nghĩ chắc tại hôm nay cô ấy nấu cơm ngon mà anh chưa ăn no đã vội đi nên hài hước:

 

- Mai bà xã nấu lại món này nhé, anh sẽ ăn bù, hết nồi cơm cho em xem.

 

- Thôi, đi ăn cưới rồi thì cần gì ăn cơm.

 

Biết vợ nói giọng không vui vẻ gì anh nhíu mày hỏi lại:

- Em nói gì thế?

 

- Em nói anh đi ăn cỗ rồi còn thiết gì cơm nhà. Toàn “việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng”. Mua giúp vợ cái này cái kia thì nay quên mai quên. Nói đến cưới em này em nọ thì rối lên…

 

Tuấn chạy sầm sầm vào bếp định quát vợ mấy câu nhưng lại thôi vì nghĩ mẹ mới từ quê lên chơi, chẳng nên to tiếng làm gì. Hơn nữa anh mà có nói, cô ấy sẽ giữ cái bộ mặt “đưa đám” cả tuần. Không muốn mẹ và con phải nghĩ ngợi anh nhiều lần đã cho qua. Tức giận quá anh xách áo ra ngoài, đóng cửa đến “sầm”.

 

Anh buồn vì đây không phải một lần Thảo tỏ ra cằn nhằn, chi li. Biết tính vợ thế, anh đã phải đánh động từ tuần trước: “Tuần tới là đám cưới thằng Việt, thằng bạn thân nhất của anh. Em nhớ không lần cưới mình nó lo vụ chụp ảnh, thuê xe cộ đó?”. Tưởng vợ hiểu ai dè cô ấy cũng chẳng thèm cho là quan trọng. Cứ nhắc đến chuyện phải đi đám cưới người này người kia, thăm hỏi chỗ này chỗ khác là Thảo lấy làm không bằng lòng cho rằng anh kiếm cớ để mang tiền đi. Mà thực ra đó là số tiền mà cuối tháng nào anh cũng đều đặn “nộp” cho vợ.

 

Anh biết gia đình giờ đang gặp khó khăn. Con cái thì ngày một lớn, giá cả ngày càng đắt đỏ. Tiền xây nhà vẫn còn nợ nần ít nhiều…Thảo chi li chắt bóp, so đo tính toán thế cũng vì gia đình vì hoàn cảnh. Nhưng đã nhiều lần anh nói với Thảo rằng ngoài gia đình ra chúng ta ai cũng có các mối quan hệ khác như bạn bè, anh em, đồng nghiệp. Rằng “xởi lởi thì trời cho, bo bo thì trời co lại”... Vậy mà Thảo vẫn không chịu hiểu. Cô ấy cho rằng “Phú quý sinh lễ nghĩa”, “Nhà mình đã phú đâu mà sinh nhiều thủ tục thế”, rồi “Người ta phải lo nghĩ cho tương lai, kiếm củi ba năm thiêu một giờ như anh có ngày dắt nhau ra ngoài đường…”, “Vợ người ta đẻ, con người ta ốm anh đều có mặt. Đến khi vợ anh đẻ, con anh đi viện…có ai thèm ngó đến không?”. Anh đành chịu thua chứ mà nói ra, cuộc chiến không biết bao giờ mới có hồi kết.

 

Càng ngày anh càng cảm thấy ngột ngạt bởi cách sống quá toan tính của cô. Thảo không chỉ giám sát anh về thời gian, kinh tế mà các mối quan hệ anh cũng bị vợ soi. Hôm nào anh về nhà muộn hơn thường lệ một chút là sẽ bị tra khảo. Nào là: “Anh đi đâu đến giờ này mới về?” “Anh đi với ai?”. Anh có nói làm thêm giờ thì Thảo nhắc anh phải “tính tiền thêm giờ cho cẩn thận”. Nếu anh nói đi với người này người kia thì sẽ bị cô nói là: “Những trò vô bổ” hay “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”… Anh không muốn vì chuyện tiền nong mà ảnh hưởng đến con cái, chúng nó lại nghĩ ngợi, khổ thân chúng nó.

 

Đến mẹ anh ra chơi ít bữa nửa tháng đã đòi về. Bà bảo “Về quê tuy nghèo vật chất nhưng chẳng nghèo tình cảm. Hàng xóm láng giềng ai cười ai khóc mọi người đều đồng lòng xẻ chia. Vợ chồng chúng mày trên này, công chức nhà nước cả đấy mà sao làm cái chuỵên hỷ cũng khó khăn. Thế còn ra cái gì?”.

 

Càng  ngày anh càng ít bạn, chẳng ai thích đến chơi nhà anh như hồi chưa lấy vợ. Anh càng buồn bao nhiêu thì vợ anh càng vui ra mặt bấy nhiêu. Cô cho rằng như thế càng đỡ mất thời gian vào những trò vô bổ, đỡ tốn tiền vào nhậu nhẹt bù khú không đâu…”Lời chào cao hơn mâm cỗ”, chẳng ai hào hứng đến nhà anh. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn cũng xa, “tiếng tăm” của vợ anh ai cũng biết hết.

 

Tối, anh trở về trong tình chạng chuếnh choáng hơi men. Trong lòng anh khi say vẫn đau đáu một câu hỏi: “Bao giờ anh mới được sang vì vợ”.

 

Lan Tường