Rể là khách

Người con rể cùng vợ con sống ở một ngôi nhà khác, thi thoảng mới ghé thăm nhà bố mẹ vợ. Có lẽ, chính vì thế mà văn hóa Việt Nam quan niệm “Dâu là con, rể là khách”...

 
Rể là khách - 1


Khoảng cách còn nguyên

 

“Chưa hiểu gì nhiều” - là tâm sự của anh Xuân Hùng (Q.Gò Vấp, tp.hcm) khi nói về khoảng thời gian gần chục năm làm rể. Do cách trở địa lý - quá xa quê vợ (Nghệ An) nên mỗi năm chỉ một đôi lần, anh đưa vợ con về nhà ngoại chơi vài ba ngày vào dịp lễ Tết. Đường xa, đến nơi chưa kịp nghỉ ngơi là phải lo đi biếu xén thăm nom họ hàng, có hôm vừa về đến nhà ngồi vào mâm với bố mẹ vợ, chưa ăn hết chén cơm đã có khách đến thăm hỏi tình hình... thời sự chính trị của TP.HCM. Thế là bố vợ bày ngay mâm nhậu để có dịp khoe ông con rể ở thành phố. Mọi thứ đâm ra cứ gấp gáp, nháo nhào nên cơ hội để thăm hỏi, tìm hiểu không nhiều. Gặp nhau lúc nào cũng đông người, cộng với việc chưa hiểu hết giọng trọ trẹ của người xứ Nghệ nên kết quả là… vậy đó!

 

Anh Hiếu Cường (Bình Dương) ở gần nhà bố mẹ vợ hơn nên thi thoảng lại chủ động chở vợ con thăm nhà bố mẹ vợ. Tuy nhiên, anh vẫn thừa nhận là chưa thật sự gần gũi với bố mẹ vợ. Theo anh, lý do chính là “bố mẹ vợ quá quý con rể, luôn coi con như khách” đến nỗi “tôi không dám mặc quần short, áo ba lỗ khi ở nhà bố mẹ vợ”. Còn phụ giúp việc nhà? Thấy con rể về đến là bố vợ dẹp hết công việc sang một bên để bố con bù khú với nhau. Quắc cần câu, ngủ một giấc đến chiều, phải chở vợ con về. Thế là hoàn thành một chuyến thăm nom.

 

Anh Xuân Bình (Đồng Tháp) là con trai miệt vườn miền Tây, nhà vợ lại là Bắc kỳ chính cống. Chàng trai của xứ được xem là “thẳng ruột ngựa”, sau gần 5 năm làm rể vẫn bị “choáng” vì những đối đãi rất “trọng thị” của nhà vợ. Anh còn nhớ lần đầu ra mắt nhà vợ, bố mẹ anh chị em vợ ăn gì cũng “mời anh xơi”. Anh thật thà, không dám từ chối, thế là ăn! Dẫu đã no căng nhưng sợ nhà vợ mời không ăn không được nên cứ cố. Nhà vợ anh cũng… tròn mắt ngạc nhiên về khả năng ăn uống “phi thường” của chàng rể mới. Anh Bình thật thà bộc bạch: “Lần nào trước khi sang nhà bố mẹ vợ, vợ cũng dặn đi dặn lại tôi là không được ăn nói lung tung, hỏi gì đáp nấy, dạ thưa rõ ràng, trả lời có trọng tâm, không đi quá xa… Cô ấy quá hiểu tính chồng thuộc loại chưa đánh đã khai, thấy đâu nói đó. Mà như vậy thì còn gì là thoải mái nữa. Cho nên, mỗi lần nghe vợ rủ về nhà ngoại là tôi rầu thúi ruột”.

 

Anh Vũ Đức (Q.Bình Thạnh) là con trai thành phố chính hiệu, công chức nhà nước hẳn hoi, làm rể một gia đình vùng nông thôn Khánh Hòa. Tuy anh rất chủ động để hòa mình, rút ngắn khoảng cách với gia đình nhà vợ nhưng lực bất tòng tâm. Anh kể: “Đã nhiều lần, tôi xắn tay ra vườn làm vườn hoặc muốn phụ bố mẹ vợ những công việc trong gia đình nhưng luôn bị “ngăn chận triệt để”. Ông bà viện đủ lý do như bụi bẩn, sâu róm hoặc kiếm cớ “hoãn binh” để từ chối. Thậm chí, mỗi khi anh đi đâu bằng xe máy, vừa về đến nhà là bố vợ mở cửa, mẹ vợ rót nước, bật quạt cho con rể.

 

Cấp “thẻ xanh” cho rể

 

Trong nhiều trường hợp, người Việt thể hiện tư duy nước đôi. Vai trò của rể cũng được nhìn nhận bằng cách như thế. Một mặt họ xem rể là khách, nhưng mặt khác lại muốn “Dâu dâu rể rể cũng kể là con”. Thật ra, cũng cần phải nói thêm, ngay cả nhận định “rể là khách” vẫn có ý nghĩa tích cực trong đó. Bởi đã là khách thì sẽ được quý trọng (tất nhiên là đừng thái quá), là khách nên chưa biết rõ, cần tìm hiểu thêm...

Anh Quang Huy (Buôn Ma Thuột) làm rể mới gần hai năm nhưng tự hào là đã hiểu gia đình nhà vợ “như lòng bàn tay”; đến nỗi mỗi lần về quê vợ, anh còn tư vấn cho… vợ mua quà tặng các thành viên trong gia đình! Anh nói, sự hiểu biết đó là hệ quả chứ không phải “thiên phú”. “Biết tôi lạ cái lạ nước nên trong vài lần gặp gỡ ban đầu, bố vợ luôn dành thời gian để tôi nói chuyện nhiều với các thành viên trong gia đình. Mỗi lần gặp gỡ, mỗi bữa ăn tôi luôn được thay đổi vị trí để có dịp hỏi thăm thêm nhiều người”.

 

Mỗi lần về quê vợ - Nghệ An, anh Phan Thư (Đồng Nai) luôn được nhạc phụ nhắc đến thăm gia đình bà con trong gia tộc. Để đỡ tốn kém, ông cụ không cho con rể chuẩn bị quà cáp gì nhiều, chỉ yêu cầu “vợ chồng con đến để “trình diện”, để thăm hỏi bà con là đủ”. Sau vài lần như vậy, anh mới thấy tác dụng. Anh thổ lộ:“Đến nay, tôi nhớ tên gần như mọi thành viên trong gia tộc nhà vợ. Cái quý hơn là tôi biết rõ gia cảnh của từng người để mà sống, mà giúp đỡ họ trong khả năng có thể”.

 

Bố vợ anh Đình Phú (Đà Lạt) mất sớm, mẹ vợ ở vậy nuôi con. Biết con rể xuất thân từ một gia đình nông dân nên mỗi lần bầu đoàn thê tử về quê ngoại (Bình Phước) là bà “khoán trắng” giang san cho con rể. Anh cũng xem những lần về quê vợ như những lần giảm stresss, giảm cân nên chỉ sau một tuần nghỉ phép, công việc đồng áng nhà ngoại được giải quyết khá rốt ráo! Anh nói thêm: “Tôi xem đây là dịp để vợ chồng tôi báo hiếu cho mẹ. Hơn nữa, qua những lần về quê này, con tôi sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của lao động, giá trị của đồng tiền”.

 

Nói về việc này, tôi lại nhớ đến việc định cư ở Mỹ. Rõ ràng, được cấp visa vào Mỹ là một chuyện, còn chuyện được cấp thẻ xanh (green card) hay cho nhập quốc tịch (nationality) là cả một quá trình. Cũng thế, để các chàng rể sớm phá vỡ rào cản “là khách”, thực sự trở thành thành viên của nhà vợ phải có “kế hoạch” hẳn hoi. Kế hoạch này thành công hay không, nhanh hay chậm tùy thuộc vào cả hai phía: “lòng thành” của con rể và sự tạo điều kiện của bố mẹ vợ. Bố mẹ vợ phải tiên phong giúp chàng rể thấy bầu không khí thân thiện của gia đình, thấy được vai trò của mình trong gia đình nhà vợ, tạo điều kiện cho rể hòa nhập. Ngược lại, chàng rể cũng không thể “khoanh tay” chờ nhà vợ “cấp thẻ xanh”, mà phải chủ động gần gũi, cởi mở với những thành viên nhà vợ. Có khi không cần những chuyện hệ trọng, chỉ cần ngồi cùng nhau chia sẻ đôi ba câu chuyện thường ngày để tạo không khí như những thành viên trong gia đình.

 

Vũ Anh (kỹ sư điện, làm việc tại Q.Gò Vấp) “khoe” cách vượt qua chặng đường từ “khách” thành “con” của mình: “Hãy đặt mình vào vị trí của một người con ruột, cư xử như mình là con ruột, thì cũng chẳng bố mẹ vợ nào nỡ đối xử với mình như người ngoài. Tuy nhiên, con rể cũng có một số giới hạn không nên và không thể vượt qua. Với anh chị em trong nhà vợ, đặc biệt là với chị em gái của vợ, càng phải giữ ý tứ trong cử chỉ, cách ứng xử. Với một số vấn đề quan trọng của nhà vợ, khi chưa được hỏi thì không nên “ý kiến, ý cò”, có góp ý thì cũng cần chừng mực, đừng như nói chuyện trong bếp nhà mình, không sợ mích lòng, đụng chạm. Nói vậy để thấy, làm con rể khó hơn làm con ruột nhiều”.

 

Theo PNO