Quyết không ở rể

Các cụ xưa bảo ở rể “như chó chui gầm chạn”. Thanh niên ngày nay nhiều người nhất quyết không có nhà thì đi thuê chứ không về nhà bố mẹ vợ ở. Các bậc phụ huynh có độc con gái thường lo lắm: Các nàng đi lấy chồng hết, còn hai cụ sống lẻ loi, thật là buồn.

Điều mà các đấng mày râu ngán ngẩm nhất khi ở nhà chung với bố mẹ vợ là mất tự do cá nhân. “Đi uống tý rượu với bạn về muộn là bị “soi” ngay”, anh Thuận, lái xe cho một công ty dược phẩm ca thán với bạn bè.

 

Theo quan điểm của anh thì ở rể khó đủ đường. Nào là ăn nói phải để ý từng câu, từng từ kẻo lỡ miệng phạm thượng. “Ở nhà vào mùa hè ngồi đối diện với mẹ vợ mà mặc quần đùi cũng bất tiện, và cái dở nhất là người ở rể không khác gì kẻ ăn nhờ ở đợ”, Thuận nói.

 

Anh Quân, người Hà Nam, cũng kiên quyết đi tìm thuê một căn nhà nhỏ để sống mặc dù bố vợ tha thiết mời cả hai vợ chồng ở cả căn nhà khá lớn mà trước khi cưới, chỉ có vợ anh và ông ở với nhau.

 

Người chị của Loan (vợ anh) đã đi lấy chồng và định cư hẳn bên nước ngoài. Quân cho rằng nếu ở đó, thiên hạ sẽ cho rằng anh chiếm đoạt ngôi nhà của bố vợ. Chị Loan thương bố phải sống một mình mà vẫn phải răm rắp nghe theo ý chồng.

 

“Mời chúng nó về ở mà chẳng đứa nào chịu cả”, đó lời ca thán muôn thuở của những bậc phụ huynh không có con trai. “Khỏe mạnh thì không sao nhưng khổ nhất là lúc trái nắng trở trời, con cái thì bận rộn công việc, không thể lúc nào cũng gọi chúng nó đến chăm sóc mình”, ông Thành ở phố Quán Thánh tâm sự. Ông cũng cho biết từ khi đi lấy chồng, cô con gái bận bịu nên không thăm bố mẹ được thường xuyên.

 

Linh, công tác tại một tạp chí của Bộ Xây dựng, mặc dù ở gần nhà bố mẹ đẻ nhưng cũng không thăm nom được nhiều do phải chăm sóc cả ông bà lẫn bố mẹ chồng ốm liệt giường. Linh có một cô em gái cũng đang tuổi yêu, bố mẹ cô muốn kiếm một chàng trai chịu ở rể để con được sống cùng mình, chăm sóc cơm nước. “Xem ra rất khó, người ngoại tỉnh thì em tôi nó không thích, còn người thành phố thì chẳng cậu nào chịu ở”, Linh nói.

 

Đỗ Quang, người Hà Tây, lấy vợ Hà Nội, ở cùng bố mẹ vợ. Quang kêu khổ: “Gặp phải ông bà dễ tính thì còn đỡ chứ khó như nhạc phụ, nhạc mẫu tôi thì hơi buồn. Anh em vợ luôn nhắc nhở tôi là cố gắng làm ăn tiết kiệm mà để ra chút vốn liếng mua cái nhà. Những lời đó một mặt thúc đẩy tôi làm ăn, mặt khác như một lời nhắc nhở rằng tôi đang ở nhờ đấy”.

 

Thu nhập của hai vợ chồng Quang thấp, ra ngoài thuê nhà ở thì chi phí cũng khá lớn, trả tiền hằng tháng cho bố mẹ vợ thì ông bà không lấy, không trả thì cũng sống không yên. Nhà tập thể chật chội, tối tối vui đùa với con cái cũng ngại vì ông bà xem tivi, có điện thoại gọi tới cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Đêm muốn xem bóng đá cũng không được. Có hôm Quang quên tắt bình nước nóng sau khi tắm xong cũng bị cha mẹ vợ nói không ra gì; khi muốn bật TV trong phòng riêng cũng bị nhắc nhở là ra ngoài phòng khách xem cùng bố mẹ cho vui. “Ý các cụ là bật nhiều cái tốn điện. Nói chung là còn nhiều nhiều vấn đề lắm, rất mất tự do, ở riêng vẫn sướng hơn”.

 

Một trường hợp khác là anh Quý Đức người Hải Phòng, được bố mẹ vợ khá ưu ái. Ông bà coi Đức như con đẻ. Ngay từ khi chưa cưới, cứ chiều chiều sau giờ làm là Đức lại về ngồi tiếp rượu ông. Nhiều lần uống tới khuya, Đức còn ngủ lại nhà. Bố mẹ vợ tương lai thoải mái đến mức gợi ý cho anh lên phòng con gái mình mà ngủ (ông bà chỉ có một cô con gái và rất cưng chiều). Đức ăn ngủ ở đây như nhà của mình trong thời gian “tiền hôn nhân”.

 

Nhưng đến khi cưới, anh cương quyết đòi đưa vợ về quê ở mà không chịu ở lại theo lời khẩn cầu tha thiết của phụ thân, phụ mẫu vợ mình. “Cả hai đứa nó không có việc làm, mời nó ở lại, nhà mặt đường thích buôn bán gì thì làm mà nó không chịu”, ông Thân, bố vợ của Đức, cho biết.

 

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hưng, văn phòng tư vấn luật Vilaf Hồng Đức, hầu hết đàn ông sợ đi ở rể là do khi ở chung với bố mẹ vợ, bao nhiêu khiếm khuyết của tính cách sẽ bộc lộ ra hết. “Tâm lý chung của họ là không muốn bị sai khiến, muốn được thoải mái trong mọi việc. Ở rể không khác gì đi tù giam lỏng”, ông khẳng định.

 

Theo khảo sát của công ty TNHH nghiên cứu, tư vấn giải pháp tâm lý TNA thì trong 100 đấng nam nhi tuổi thanh niên và trung niên được hỏi, có tới 68% đàn ông khẳng định không bao giờ chịu ở “nhà bà ngoại”, 18% cho rằng còn tuỳ thuộc vào từng điều kiện cụ thể và chỉ có 14% trả lời sẵn sàng ở rể nếu không có nhà.

 

Theo Hoàng Hà

VNE