Phụ nữ đã ly hôn, nếu định tái hôn cần nhìn vào 2 điều sau để chọn chồng
(Dân trí) - Hôn nhân không dễ dàng, đặc biệt là đối với những người phụ nữ đã một lần tan vỡ.
Bạn cần xem xét kỹ tình hình thực tế ở nhiều khía cạnh, ví dụ bạn muốn tái hôn với người như thế nào, liệu sau đó bạn có thể bao dung và thấu hiểu hơn không.
Nếu bạn tiếp tục đưa ra một lựa chọn không tốt, thì cả đời vẫn phải sống trong ân hận.
Đừng bỏ qua việc tìm hiểu tình hình tài chính của đối phương
Cô Tuyết Lâm (58 tuổi) cho biết, năm 37 tuổi cô ly hôn với chồng. Ngày ly hôn, hai vợ chồng chẳng có một chút tài sản gì để chia. Không thể một mình nuôi con, cũng không muốn con khổ sở theo mình, cô để con lại cho ông bà ngoại nuôi, một mình lên thành phố tìm việc làm và gửi tiền về quê cho bố mẹ nuôi cháu.
5 năm sau, cô gặp người chồng hiện tại qua người quen giới thiệu. Lúc ấy, vì cái bóng ảm đạm của cuộc hôn nhân cũ, cô chỉ muốn sống yên bình. Chỉ cần một người chồng không vũ phu, không động tay động chân với vợ, thì cô đều cảm thấy như vậy đã là tốt.
Người mới rất phù hợp với yêu cầu của cô. Vợ trước của người đó vì bệnh tật mà qua đời. Cô đã thương cảm mà hoàn toàn không quan tâm đến những điều kiện khác của người đó. Cô tin rằng lấy một người đàn ông hiền lành, cuộc sống sẽ tốt.
Kết hôn xong cô mới biết, cô không chỉ phải chăm sóc hai đứa con của chồng mới, một đứa con của cô, mà còn phải cùng anh trả nợ bên ngoài. Do vợ cũ trước đây phải chữa bệnh rất tốn kém, anh đã vay mượn nhiều. Nợ thì vẫn phải trả.
"Sau khi kết hôn với người chồng thứ hai hiền lành, cuộc sống của tôi bỗng chốc rơi từ mức trung bình xuống mức thấp nhất. Nếu là trước đây, tôi muốn ăn gì vẫn có thể tự bỏ tiền ra mua được, nhưng sau khi kết hôn rồi, đúng là thắt lưng buộc bụng", cô Lâm nói.
Cô Lâm cho biết quả thực mình sống rất mệt mỏi, cứ phải chạy vạy cả đời. Cuối cùng cô lại chọn ly hôn. "Tôi sẽ không lấy chồng nữa, nếu có cơ hội thì phải xem xét kỹ tình hình tài chính của đối phương, tệ quá thì thôi, mình tôi lo cho con cũng đủ mệt mỏi rồi, nếu kiếm được ai có thể lo cho tôi và cho con của tôi, dựa vào nhau lúc cuối đời thì tôi mới suy nghĩ tiếp", cô nói.
Nhớ xem xét tính cách của bên kia
Cùng cảnh đã qua một đời chồng, cô Dương Hồng (56 tuổi) chia sẻ, chồng cũ của cô qua đời vì bệnh tật khi cô vừa bước vào tuổi 40. 3 năm sau cô gặp một người đàn ông và tái hôn, chồng mới của cô nhất quyết muốn có một đứa con chung của hai vợ chồng.
"Tôi không đồng ý, dù sao tôi cũng già rồi. Nhưng không ngờ rằng lúc đó ông ấy lại vì chuyện này mà gây sự với tôi. Vợ chồng lạnh nhạt, không nói chuyện với nhau tới vài tháng. Mọi người trong gia đình hùa vào khuyên nhủ, thôi thì cũng nên có đứa con chung cho trọn vẹn một gia đình, nên tôn trọng ý kiến đối phương, dù sao anh ấy cũng có quyền có con và tôi không chịu sinh con cho anh ấy có lẽ cũng là hơi ích kỷ.
Tôi đành nghe theo rồi có thai. Do điều kiện sức khỏe không tốt nên khi mang thai tôi thường mất bình tĩnh. Tôi chỉ muốn được chồng an ủi, nhưng không ngờ ông ấy còn nóng hơn. Ông ấy bắt đầu lạnh nhạt và dùng bạo lực với tôi, bỏ rơi tôi ngay cả khi tôi đang mang bầu".
Kể về chuỗi ngày buồn tủi, cô Hồng cho rằng bởi bản tính người chồng thứ hai là như vậy, cái gì cũng phải làm cho ông ấy hài lòng. Nếu không hài lòng chuyện gì, ông ấy sẽ coi vợ như người xa lạ.
"Mãi sau này tôi mới biết vợ cũ ly hôn với ông ấy cũng là do tính cách này, bà ấy không chịu nổi. Hồi tính chuyện kết hôn tôi không hỏi. Càng lớn tuổi càng muốn tìm một người tử tế ở bên mình, ai ngờ lại thành ra như vậy. Bây giờ tuổi đã gần 60 rồi, tôi thực sự hối hận về cuộc hôn nhân này, nhưng cũng ngại ly hôn. Đứa con út của tôi vẫn còn nhỏ, tôi đành chịu đựng. Nhưng nếu có cơ hội sửa sai, tôi nhất định tìm hiểu kỹ tính cách đối phương rồi mới tính chuyện kết hôn, không xuề xòa như vậy nữa".
Lời kết
Qua một lần đổ vỡ là chuyện không dễ dàng, lựa chọn người mới lại càng khó, bạn sẽ không muốn đi vào vết xe đổ, thất bại trong hôn nhân như cuộc hôn nhân trước đó.
Hãy cân nhắc kỹ hai điểm trên nếu cần phải chọn một người đàn ông. Người không đồng tâm đồng lòng với mình không thể cùng mình đi đường dài được. Người nợ nần, khả năng tài chính không tốt chỉ có thể làm cuộc sống gia đình bết bát hơn.
Tiểu mục "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện đời thực trong góc khuất đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.