Phận mỏng

Trưa nắng chang chang, anh vẫn quần cộc, cởi trần, cọc cạch chiếc xe đạp sườn ngang chở oằn bao khoai mì đi ngang nhà tôi. Một tiếng “bốp” khá to làm xe loạng choạng. Nổ ruột rồi. Anh ngần ngừ ghé vào tiệm sửa xe của tôi hỏi trổng:


- Có thay ruột xe đạp không?



- Có thay ruột xe đạp không?

Thằng em “chính chủ” của tiệm đã đi ăn trưa, chỉ còn mình tôi nửa thức nửa ngủ trên chiếc ghế xếp.

- Dà… không có thay ruột xe đạp… Anh… A... nh... Cường phải không? Sao trưa nắng mà đi làm chi cho cực vậy? Ngồi uống nước chút thằng em về vá cho.

- Ba lỗ rồi, vá gì nữa? Thay lẹ chở cho lò, lâu mì chạy chỉ hết!

- Thì cứ uống ly nước. Rồi lấy xe máy của em mà chở mì đi. Dễ sợ ông không, bạn bè nhà cùng xã mà mười mấy năm nay mới nói chuyện được với ông đó!

Tôi vồn vã vì gặp người quen cũ. Anh e dè chắc vì bộ “trang phục” trên người. Hỏi thăm vợ con, anh bảo: “Duyên phận tôi mỏng lắm! Chắc tại hồi đó mới “yêu mở hàng” mà em từ chối nên có vợ rồi, vợ cũng bỏ mấy cha con tôi đi…”.

Chuyện vợ anh bỏ đi, hai đứa trẻ để lại cho chồng, tôi đã biết. Nhà chung xã mà! Tiêu chuẩn trợ cấp hàng tháng dành cho con em nhà nghèo học giỏi của hai con anh do một Mạnh Thường Quân tài trợ cũng là tôi giới thiệu, nhưng chắc anh không biết. Anh chầm chậm kể chuyện như độc thoại, rằng vợ anh bỏ đi vì chê anh nghèo, nghèo “truyền thống” không hy vọng gì khá lên được. Cô ấy thân gái 12 bến nước, mong bến trong chứ thời buổi này làm sao cam lòng nơi “bến đục”. Vậy là đi biền biệt, bỏ luôn hai núm ruột. Bộ trang phục trên người anh mười mấy năm rồi vẫn vậy, có chăng là đen mốc hơn, nhăn nheo hơn. Suốt ngày anh dang mình dưới nắng, hết đồng đất này tới khu trảng nọ để mót mì, mót mía, mót nhãn… kiếm tiền nuôi con ăn học. Cơ cực vậy nên không khi nào anh được khoác đủ bộ quần áo trên người, thường chỉ độc chiếc quần đùi xoăn như lò xo. Thảng hoặc ba ngày Tết, anh tròng thêm cái áo rồi mươi phút cũng cởi ra vì “quen da” mất rồi.

Hai con trai anh, đứa lớp 11, đứa lớp 10 không học thêm nhưng học rất giỏi. Căn nhà nhỏ xíu, mái tôn thủng lỗ chỗ, tường gạch cũ xì xì nhưng dán đầy những giấy khen. Anh bảo, phận mình mỏng đường tình duyên, thôi ráng lo cho con, mai mốt già được con dìu đỡ cơm thuốc “tới nơi tới chốn”. Là anh ước mong hai con, đứa học điều dưỡng, đứa học y dược đấy!

Anh chất bao mì lên xe máy, tấm lưng trần đen nhẻm đã hơi còng của người đàn ông 40 đập vào mắt tôi một nỗi niềm không thể gọi tên…

Theo Thùy Phương
Phụ nữ TPHCM